Chẳng hạn như, một giáo viên không dạy hết kiến thức cho học trò khi lên lớp, mà “giữ lại” một phần để dạy thêm. Một bác sĩ không trị tận gốc bệnh cho người bệnh, để họ cứ phải ''theo'' mình trong một thời gian dài. Một nhà báo can tâm viết những điều không đúng, bóp méo sự thật vì sự chi phối của đồng tiền, hoặc lợi ích cá nhân. Một cán bộ nhà nước giải quyết thủ tục hành chính với thái độ thiếu tôn trọng dân, sách nhiễu, tư lợi... Tất cả các biểu hiện đó là thể hiện của việc tha hóa đạo đức, xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp, ĐĐCV, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân, làm giảm tính ưu việt của chế độ, thay đổi bản chất của bộ máy công quyền Nhà nước XHCN.
Việc xây dựng văn hóa và ĐĐCV là rất cần kíp và hết sức quan trọng. Ngược dòng lịch sử, một "câu hỏi lớn" được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra ngay sau khi giành được chính quyền cách mạng (năm 1945) là: "Sao cho được lòng dân?". Và câu trả lời được Người chỉ ra: "Chính phủ là công bộc của dân"; cán bộ phải lắng nghe dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, gần dân, yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thẩy, phải có một tinh thần chí công vô tư, một văn hóa phục vụ nhân dân đúng với bổn phận mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó". Quan điểm của Đảng ta cũng trung thành với tư tưởng đó. Trong quá trình hiện thực hóa những chuẩn mực đạo đức nói chung, ĐĐCV nói riêng, cán bộ công chức phải đặt lên hàng đầu ý thức và tinh thần hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Điều này thuộc phạm trù "văn hóa bổn phận", tức là quyết tâm và tinh thần phục vụ nhân dân phải thấm sâu vào hành vi hằng ngày của mỗi công chức và phải thực hành suốt đời.
Vì sao "văn hóa bổn phận" của công chức chưa được thực hiện đầy đủ và ĐĐCV hiện đang có biểu hiện xuống cấp? Nguyên nhân có nhiều, nhưng bản chất nhất là ở chỗ, chính đội ngũ cán bộ công chức chưa nắm chắc, hiểu sâu các chuẩn mực trong tiêu chí, tiêu chuẩn ĐĐCV. Thực tế cho thấy, ở nhiều cơ quan, việc ban hành chuẩn mực ĐĐCV được tiến hành từ lâu, nhưng nội hàm của nó thì vẫn còn xa lạ với khá nhiều công chức. Cùng với đó, cơ chế giám sát việc tuân thủ ĐĐCV chưa được hoàn thiện; việc vi phạm ĐĐCV vẫn chưa được ngăn ngừa, xử lý thỏa đáng, nghiêm minh.
Chính phủ đã có nhiều chủ trương, giải pháp trong chỉ đạo, điều hành việc xây dựng, thực hiện và duy trì ĐĐCV. Gần đây nhất, ngày 8-9-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó khẳng định quyết tâm chính trị cao và phương pháp vận hành khoa học, thiết thực trong việc xây dựng, hoàn thiện tiêu chí ĐĐCV, theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Chỉ thị cũng xác định rõ: Một trong các mục tiêu của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo phát triển; phải lấy phục vụ nhân dân là "mục tiêu quan trọng nhất". Đây thực sự là một bước thống nhất lại nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, công chức cả nước về bổn phận phục vụ nhân dân.
Sau bước thống nhất nhận thức, các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, xây dựng, công bố và tổ chức thực hiện các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, ĐĐCV ở tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, ngành, địa phương mình. Yêu cầu này của Thủ tướng Chính phủ thực chất là chỉ rõ nội dung, phần việc để vừa "chuẩn hóa", hoàn thiện hệ thống các tiêu chí ĐĐCV, vừa nâng cao nhận thức cho đội ngũ công chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của ĐĐCV trong điều kiện mới.
Quá trình xây dựng và thực hiện ĐĐCV, người đứng đầu các cơ quan nhà nước có vai trò rất quan trọng. Người đứng đầu cần xác định rõ những nội dung cần làm, tập trung vào việc đổi mới phong cách, tác phong công tác, tôn trọng dân, gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân; chống bệnh thành tích, hình thức. Chú trọng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong công việc, “nói đi đôi với làm”; tập trung chỉ đạo, giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà nhân dân quan tâm, góp phần thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị.
Để có một nền ĐĐCV cách mạng, bền vững, việc thực hiện ĐĐCV đòi hỏi phải có phương châm vận hành khách quan cụ thể. Theo đó, việc triển khai thực hiện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, kết hợp việc tổ chức học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhằm phục vụ nhân dân tốt nhất, hiệu quả nhất. Chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ không những chỉ ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cấp thiết, quan trọng mà còn mang đến niềm tin mới trong việc xây dựng ĐĐCV cho đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng bộ máy công quyền thực sự của dân, vì dân trong thời gian tới.
NGUYỄN TẤN TUÂN