Năm APEC 2017 tại Việt Nam, trọng tâm là Tuần lễ Cấp cao APEC được tổ chức tại Đà Nẵng diễn ra trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi mạnh mẽ nền tảng kinh tế toàn cầu, đặt các nền kinh tế trước nhiều cơ hội chưa từng có. Thế giới phẳng ngày càng hiện hữu với sự bùng nổ của Cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội được trao cho mọi người một cách bình đẳng. Ngày nay, nếu đứng riêng lẻ một mình, chắc rằng khó có nền kinh tế nào phát triển toàn diện, bền vững. Một chiếc máy bay Boeing được sản xuất tại Mỹ nhưng linh kiện của nó do hàng chục quốc gia cung cấp. Hay những chiếc điện thoại thông minh đã trở nên quen thuộc trong đời sống hằng ngày cũng là sự kết hợp của trí tuệ toàn cầu trên nền không gian mạng, dù nó được thiết kế ở Mỹ, ở Hàn Quốc, được lắp ráp ở Trung Quốc, ở Việt Nam hay ở bất cứ đâu. Trên nền tảng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, trong tương lai không xa, người nông dân Việt Nam có thể tiếp cận trực tiếp, cung cấp nông sản cho từng người tiêu dùng tại Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu…
Cơ hội đang mở ra lớn hơn với tất cả doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mọi doanh nghiệp đều có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với động lực là đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ. Có thể thấy, mỗi nền kinh tế của APEC đều đang nắm trong tay quyền chủ động để quyết định vận mệnh của mình. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, đang tồn tại khoảng cách rất lớn về quy mô giữa các nền kinh tế APEC. Lợi ích từ toàn cầu hóa chưa được phân bố đồng đều khiến xu thế bảo hộ thương mại, tư tưởng chống đa phương hóa, chống toàn cầu hóa tăng lên. Điều này đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Các hợp tác quốc tế dù song phương hay đa phương đều cần được gây dựng trên cơ sở sự tin cậy, bình đẳng, cùng có lợi. Trong đó cần phải có sự san sẻ lợi ích, để xây dựng một con đường thịnh vượng chung. Sẽ không thể có hợp tác thực chất nếu như tối đa hóa lợi ích cho nền kinh tế này mà lại ràng buộc, thu hẹp lợi ích của các nền kinh tế khác.
Là nước chủ nhà của APEC năm nay, Việt Nam đã cho thấy vai trò là thành viên tích cực trong các vấn đề của khu vực cũng như toàn cầu. Sau 10 năm hội nhập WTO, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng gấp 3 lần. Việt Nam đang đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao chất xám, tính sáng tạo và đã tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, những nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ lớn nhất thế giới cũng bắt đầu được đặt ở Việt Nam, ví như các nhà máy của Samsung Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam đã thu hút được sự ủng hộ từ các thành viên APEC cho các mục tiêu của mình, đồng thời có những đóng góp thiết thực để nâng cao vai trò của APEC trong việc giải quyết các thách thức đang đặt ra cho nền kinh tế thế giới. Thông qua APEC, 21 nền kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương từng bước giảm bất đồng, đẩy mạnh các điểm tương đồng, vượt qua từng trở ngại, giữ vững đà hợp tác, hình thành khối liên kết chung, vững chắc, vì lợi ích của tất cả thành viên.
ĐỖ MẠNH HƯNG