Phạt nặng là đúng-đó là dư luận chung sau những ngày đầu trong đợt cao điểm xử lý nồng độ cồn của người lái xe tại các thành phố lớn. Dù có những chuyện không quen bị phạt nặng nhưng dễ hiểu vì sao đông đảo người dân đồng tình ủng hộ biện pháp này. Những tai nạn thương tâm, thảm khốc đã xảy ra quá nhiều và chưa có dấu hiệu giảm đáng kể-không ai có thể “quen” được, chịu đựng được những mất mát lớn đến thế. Không ai có thể gạt đi nỗi lo canh cánh về những bất trắc, mong manh trên đường có thể đe dọa đến sinh mạng con người. Cùng với những tuyên truyền, vận động, giáo dục, khuyến cáo và cảnh báo, các biện pháp xử lý nghiêm, chế tài mạnh phải được thực thi. Đó là sự nghiêm minh của kỷ cương pháp luật, là chuẩn mực và là bệ đỡ, sự hỗ trợ để nâng cao ý thức của những người dân.
Đúng là chuyện tham gia giao thông có vi phạm không, người uống bia rượu có tự mình và cùng nhau tiết chế hay không đều do ý thức người dân, do văn hóa giao thông, văn hóa rượu bia thấm đến đâu. Nhưng sự thực thi pháp luật không nghiêm thì thứ ý thức ấy, văn hóa ấy sẽ không những không được bồi đắp mà còn mai một, mất phương hướng.
Trong diễn biến muôn màu muôn vẻ của cuộc sống ở lĩnh vực nào, ngóc ngách nào cũng vậy, luôn có những khoảng trống, khoảng thiếu hụt trong tri thức và ý thức con người. Vì hám lợi mà nhiều người sản xuất, buôn bán hàng giả, thực phẩm bẩn; nhẹ dạ cả tin, bị lừa đảo qua chơi hụi, mua bán qua mạng điện tử, qua bán hàng đa cấp... Những người thiếu ý thức chỉ lo tiện lợi cho mình, quen sống được chăng hay chớ, xả rác ra đường sá, ra công viên, ra ao hồ, sông ngòi, bãi biển; những người không cẩn thận, hớ hênh để kẻ gian lợi dụng trộm cắp chôm chỉa; những gia đình không biết quản lý, dạy dỗ con để chúng thành người gây rối, hư hỏng… tất cả những điều đó gây phiền phức cho xã hội. Nhiều khi, nhiều vấn đề trở nên nóng bỏng, nan giải, thậm chí trở thành mảnh đất nảy sinh những ứng xử kiểu "luật rừng".
"Thiếu ý thức" hay "vô ý thức" là những lời thường được nhắc đến khi người dân vi phạm pháp luật, không tuân thủ trật tự, nếp sống văn hóa. Mặt khác, người ta hay đưa ra lý lẽ để biện minh rằng người khác làm được thì tôi cũng làm theo, thậm chí còn đổ tại “ông nọ bà kia” còn vi phạm huống chi dân thường. Quả là có những người thiếu gương mẫu, nhưng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, mọi người đều có tư cách công dân, tôn trọng và làm theo quy định, trật tự chung. Những lái xe uống rượu bia hay vị hành khách hàng không nọ sừng sộ với tiếp viên đã phải chấp nhận các hình phạt, chính là dấu ấn của luật pháp và lẽ phải, là một kết cục được người đời tán đồng. “Mình làm mình chịu” là vậy.
Cố nhiên, việc xây dựng lối sống văn hóa pháp quyền, ý thức công dân là một quá trình không đơn giản và đâu chỉ là phần việc riêng của những cơ quan, lực lượng thực thi pháp luật, giữ gìn trật tự. Có thể liệt kê ra vô vàn cố gắng của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều tổ chức xã hội hằng ngày, hằng giờ để giáo dục, động viên cùng những con người nêu gương khắp nơi, mọi lúc, song đây là một công cuộc phải kiên trì, không ngừng nghỉ gắn với các biện pháp đồng bộ từ xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ chế vận hành đến sự chung tay góp sức, phát huy sự đồng thuận, trách nhiệm và sáng kiến của toàn dân.
Mà như kinh nghiệm thực tế đã cho thấy, những nỗ lực của Nhà nước và xã hội cần phải được tập trung để dứt điểm từng khâu, từng nội dung công việc, từng cụm vấn đề. Chuyện mũ bảo hiểm rởm, một số người dân đội đối phó, dây dưa cả chục năm chưa thể giải quyết đến nơi đến chốn là một ví dụ. Việc liên quan đến sự an toàn của chính mình mà nhiều người dân chỉ coi là chuyện đối phó. Nhớ lại và suy nghĩ rằng việc cấm đốt pháo ngược lại với tập quán mà vì sao chúng ta đã đạt được thành công nhanh chóng. Bài học kinh nghiệm trước sau vẫn là sự nghiêm minh, kiên quyết.
ANH NGUYỄN