 |
Ảnh minh họa. Nguồn: tienphong.vn |
Có lẽ ấn tượng nhất là những thành quả thu được trong suốt 20 năm qua thực hiện pháp lệnh. Đảng, Nhà nước ta đã nỗ lực hướng về đồng bào trên tuyến biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, với nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi... nhằm xây dựng phên giậu biên cương yên bình, phát triển bền vững.
Chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... trên tuyến biên giới được cụ thể hóa bằng các chương trình, mục tiêu quốc gia, như: Chương trình 135; chương trình quân-dân y kết hợp; chương tình xây dựng nông thôn mới; xóa đói, giảm nghèo; phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở... Kết quả hiển hiện từ các chương trình, mục tiêu quốc gia là: Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên các tuyến biên giới ngày càng khởi sắc; tỷ lệ hộ nghèo không ngừng giảm, mặc dù tiêu chí chuẩn về hộ nghèo được nâng lên; số hộ giàu trên tuyến biên giới ngày càng nhiều, nhất là trên tuyến biên giới khu vực Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Giờ đây, chúng ta đi tới các miền biên ải của Tổ quốc, đường sá đã thuận lợi hơn nhiều, với 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, các thôn, bản đều có đường cấp phối. Hệ thống trạm y tế cấp xã kết nối với các trạm quân-dân y kết hợp, giúp cho việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân vùng sâu, vùng xa có nhiều tiến bộ. Còn về hệ thống điện thì xin dẫn lời một người bạn tôi đang công tác trong ngành điện lực tỉnh Cao Bằng: “Có những thôn, bản chỉ ngót chục hộ dân, nhưng chúng tôi vẫn kéo đường điện vào cho bà con”. Có điện đồng nghĩa với có thông tin, có sự giao thoa văn hóa, làm cho cái nhìn và nhận thức của bà con dân bản vượt xa khỏi bản làng.
Cứ lấy cột mốc thời gian để so sánh thì cuộc sống của đồng bào trên các tuyến biên giới năm sau đều đổi mới hơn năm trước, giai đoạn sau đều vượt giai đoạn trước. Đó là thành quả từ sự nỗ lực của bản thân mỗi người dân, mỗi gia đình và cấp ủy, chính quyền các địa phương trên tuyến biên giới dưới sự hỗ trợ đắc lực của Đảng, Nhà nước thông qua các chính sách phát triển. Thế nhưng để cho sự tiến bộ ấy mau hơn, khoảng cách phát triển giữa miền núi và đồng bằng nhanh thu hẹp, để thực hiện hiệu quả mục tiêu chiến lược về xây dựng tuyến biên giới phát triển bền vững, chúng ta cũng còn nhiều việc phải làm. Trước hết, phải rà soát, điều chỉnh lại thế bố trí dân cư trên tuyến biên giới, để sao cho các cụm dân cư, các bản làng được phân bố vừa đồng đều, vừa có trọng tâm, trọng điểm. Việc ổn định tuyến dân cư có thể coi là cái gốc tạo cơ sở phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) ở khu vực biên giới. Các chính sách, nguồn vốn hỗ trợ phục vụ phát triển KT-XH trên biên giới phải được tính toán thật kỹ để có sự phân bổ phù hợp với tính chất, đặc điểm từng vùng, miền, tạo ra hiệu quả trong sử dụng. Cần tránh sự “cào bằng” trong phân bổ nguồn lực như một số chương trình, mục tiêu thời gian vừa qua, dẫn đến lãng phí nguồn vốn. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị tại các địa phương biên giới, hải đảo cần được thường xuyên bổ sung, củng cố theo hướng cơ cấu, phát triển từ nguồn nhân lực tại chỗ. Trước mắt, cần phát huy vai trò của LLVT, nhất là Bộ đội Biên phòng trong xây dựng cơ sở chính trị, cơ sở kinh tế, quốc phòng trên các địa bàn biên giới...
Xây dựng phên giậu biên cương vững chắc là việc hệ trọng của muôn đời, muôn nhà. Thế nhưng công việc này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, không một phút ngơi nghỉ. Và phên giậu vững chắc nhất trên biên giới chính là lòng dân. Khi người dân coi biên giới là quê hương, bản quán của mình thì không gì có thể chuyển dời được họ. Vì thế, mọi chính sách phục vụ phát triển biên giới đều phải lấy trục đó để xoay quanh trong quá trình triển khai, thực hiện.
TRẦN TUẤN