Covid-19 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ, rộng khắp đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và giáo dục-đào tạo cũng không phải là ngoại lệ. Cùng với thi tuyển, một số phương án trong kỳ thi 10 đã được các địa phương đưa ra, dựa trên tình hình dịch Covid-19 diễn biến thực tế tại từng địa bàn, như: Xét tuyển; hoãn thi đến khi có thông báo mới... Sự đa dạng về cách thức, thời gian tổ chức cho học sinh vượt “vũ môn” cho thấy sự ứng phó linh hoạt của ngành giáo dục, nhằm thích ứng với điều kiện thực tế trong thời điểm hiện nay, với mục tiêu cao nhất là không để dịch bệnh ảnh hưởng đến chương trình giáo dục tổng thể và tính liên tục của các cấp học.
 |
Hướng dẫn thí sinh xịt khử khuẩn tay trước khi vào phòng thi. Ảnh: KHÁNH HÀ |
Thực tiễn là nơi khảo nghiệm, đánh giá tính đúng đắn, hiệu quả của mỗi chủ trương, biện pháp hay ý tưởng, cách làm mới. Tuy nhiên, từ những ngày thực hiện kỳ thi 10 vừa diễn ra đã chứng minh thành công bước đầu trong công tác tổ chức thi ở các địa phương, đồng thời là kinh nghiệm cần thiết cho địa phương và các cuộc thi khác. Tại Hà Nội, các phương thức tuyển sinh phù hợp đã được áp dụng, vừa giữ được tính công minh, vừa bảo đảm tính nhân văn đối với nhóm thí sinh là các ca F0, F1, F2. Ngoài ra, thời gian làm bài cho mỗi môn thi đã được rút ngắn để giảm số buổi thi, giảm nguy cơ lây nhiễm; kỷ luật phòng thi và kỷ luật phòng dịch Covid-19 được siết chặt, với sự hỗ trợ của nhiều lực lượng. Cách làm đó của TP Hà Nội là một gợi ý hữu ích đối với các địa phương chưa tổ chức kỳ thi 10.
Sau cuộc thi vào lớp 10, còn một cuộc khác cũng đang chờ đợi các sĩ tử lớp 12, đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Trong khi dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, thì những phương án thi tốt nghiệp THPT sẽ phải được tính toán, nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng ngay từ bây giờ. Từ các phương án đã triển khai trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, bên cạnh phương án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là tổ chức 2 đợt thi, có thể tham khảo xét tuyển tốt nghiệp THPT cho các học sinh đạt học sinh giỏi 3 năm. Dù phương án nào thì việc xét tuyển này cũng cần được nghiên cứu kỹ, thực hiện công tâm và khách quan để bảo đảm quyền lợi cho học sinh, giảm áp lực kỳ thi và tiết kiệm cho xã hội.
Đây là lúc ngành giáo dục cần vận dụng sáng tạo quan điểm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để giải quyết nhiệm vụ mà các kỳ thi đặt ra. Cần có những cách làm linh hoạt, mềm dẻo để “ứng vạn biến” với dịch Covid-19, với mục tiêu “bất biến” là bảo đảm quyền lợi của người học và chất lượng giáo dục. Có thể thấy, sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã đặt ngành giáo dục đứng trước những tình huống bất ngờ, khó khăn. Để vượt qua những thử thách ấy, đòi hỏi phải tự thích ứng bằng những cách thức tổ chức linh hoạt, sáng tạo, song kiên quyết bảo đảm giữ vững kỷ cương trong giáo dục; đồng thời cần sự ủng hộ, chung tay góp sức của toàn xã hội, đặc biệt là tính chủ động, tích cực, tự giác, trung thực từ học sinh và phụ huynh.
THU HÀ