Những hoạt động trong vùng xanh khá hạn chế, người dân vẫn được yêu cầu ở trong nhà, các trường hợp người dân ra khỏi nhà hay trẻ em vui chơi, đạp xe trong khu dân cư vẫn được nhắc nhở, tránh tụ tập đông người. Tôi tự hỏi liệu việc thiết lập vùng xanh nên có những ưu tiên trong việc di chuyển nội khu, nới lỏng nhiều hoạt động hơn, kể cả hoạt động kinh doanh?
Tất nhiên, để vùng xanh an toàn thì rất cần trách nhiệm của lực lượng trực chốt. Không thể để tình trạng bỏ chốt, lơ là việc kiểm soát người ra vào, tạo điều kiện cho nguồn dịch bệnh xâm nhập vùng xanh. Những người trực chốt là tuyến tiếp xúc trực tiếp với những người ở bên ngoài nên cũng cần được xét nghiệm Covid-19 định kỳ, thường xuyên để bảo vệ “sức khỏe” vùng xanh. Người dân sinh sống ở vùng xanh khi có việc thực sự cần thiết mới nên ra khỏi khu dân cư, đồng thời có ý thức trong việc bảo vệ bản thân, nghiêm túc thực hiện phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
 |
Lãnh đạo phường Kim Giang tặng quà các chốt trực “vùng xanh” vào lúc 5 giờ sáng 27-8. Ảnh: PHÚ QUÝ - QĐND. |
Mới đây, đồng chí Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trong buổi khảo sát công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, đã nói: Vùng xanh phải cho hoạt động trở lại, chứ vùng xanh rồi nhưng vẫn như vùng đỏ, vùng cam; vẫn “ai ở đâu ở đó” thì vùng xanh để làm gì?". Theo Phó thủ tướng, nếu hoạt động sản xuất, kinh doanh chỉ liên quan đến người mua, người bán, người giao dịch trên phường “xanh” đã được tiêm vaccine thì mở trước. Đây là việc làm đúng và cần thiết để đưa nền kinh tế dần từng bước trở lại trạng thái bình thường. Đối với những địa phương trong vùng xanh có tỷ lệ tiêm vaccine cao nên có sự nới lỏng để sản xuất, buôn bán kinh doanh thực hiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”.
Vừa qua, TP Hà Nội cũng đã bắt đầu nới lỏng giãn cách bằng việc chia ra 3 phân vùng 1, 2, 3 với mục tiêu “bảo vệ vững chắc vùng xanh”. Vùng 1 gồm khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được xác định là vùng đỏ, tập trung nhiều khu vực, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao. Vùng 2 được phân cách bởi hệ thống sông Hồng, sông Đuống với vùng 1 nhằm phòng, chống nguy cơ xâm nhập phía bắc, đông bắc. Vùng 3 (phía tây, phía nam thành phố) là vùng sản xuất nông nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp. Đối với vùng 2 và vùng 3, TP Hà Nội cũng thực hiện phân cấp, ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã quyết định các biện pháp phòng, chống dịch, tổ chức sản xuất phù hợp với tình hình dịch cụ thể theo từng địa bàn, dần dần đưa hoạt động phát triển kinh tế trở lại.
Có thể nói, cùng với việc khoanh vùng, ngăn chặn nguồn lây, cần có cách thức quản lý phù hợp để cuộc sống cũng như hoạt động sản xuất của người dân những vùng xanh từng bước trở lại bình thường. Điều này là cần thiết, vì “sức khỏe” của nền kinh tế cũng quan trọng không kém gì sức khỏe thể chất.
NGUYỄN VŨ