Tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn, người lao động thiếu việc làm trong quý trước và các năm trước không chỉ là mối lo của riêng doanh nghiệp, người lao động, mà còn là mối lo chung của Đảng, Nhà nước. Mọi cuộc tiếp xúc song phương và rất nhiều cuộc làm việc của các cơ quan đều hướng đến tìm phương án khả thi, hiệu quả nhất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; mở rộng thị trường; thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài... Nhiều chính sách tiếp sức cho doanh nghiệp, người dân đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ năm vừa qua, tạo thêm niềm tin và động lực mới cho doanh nghiệp. Kết quả thống kê số doanh nghiệp tin tình hình sẽ tốt hơn tăng 6,8% cho thấy rõ điều đó. Nhờ chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,49% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,18%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,14%... Chính sự phục hồi đáng kể của thị trường trong nước đã góp phần rất tích cực trong việc tạo thêm nhiều việc làm hơn cho người lao động.

Tuy số lao động có việc làm tăng nhưng vẫn không theo kịp số lao động bổ sung vào nguồn nhân lực của nước ta, nên tỷ lệ thất nghiệp và số người thất nghiệp cũng tăng. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 1,07 triệu người, tăng 25,4 nghìn người so với quý trước; tỷ lệ thất nghiệp là 2,3%, tăng 0,05% so với quý trước. Điều đó cho thấy chúng ta vẫn cần phải nỗ lực hơn rất nhiều để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

 

Quốc hội đã ban hành những chính sách quan trọng tại Kỳ họp thứ năm nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Các chính sách này cần được triển khai nhanh chóng vào cuộc sống, để doanh nghiệp và người dân sớm được thụ hưởng những điều kiện thuận lợi hơn cho sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp và người dân cũng cần chủ động hơn, tận dụng tốt hơn nữa các cơ hội có được từ thị trường trong nước, các hiệp định thương mại tự do và những thỏa thuận song phương mà nước ta đã đạt được với các nước bạn bè, đối tác để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, doanh nghiệp cần hết sức tránh “đi vào vết xe đổ” trong đại dịch Covid-19, khi không có đơn hàng thì vội vã sa thải người lao động, đến lúc có đơn hàng trở lại thì trở tay không kịp, làm lỡ cơ hội vàng để có được những hợp đồng lớn.

Về phía các cơ quan nhà nước, nên chăng, chúng ta nghiên cứu để mở rộng và tăng mua các mặt hàng dự trữ quốc gia? Tuy số lượng mua thêm không phải là lớn nhưng cũng sẽ tạo ra được những lợi ích không nhỏ khi chúng ta có thể tận dụng mua hàng dự trữ với giá rẻ hơn, đồng thời góp phần kích cầu tiêu dùng.

Tạo thêm càng nhiều việc làm, người lao động sẽ càng có thêm thu nhập, nhu cầu tiêu dùng cũng sẽ tăng lên, các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhờ đó sẽ tăng theo. Bởi thế, đây vẫn là gốc rễ bền vững nhất cho sự phát triển, không chỉ ở tầm quốc gia, mà ngay với từng doanh nghiệp!

CHIẾN THẮNG