Có gia đình quá nghèo không có xe gắn máy đành phải đi bằng xe đạp. Những người may mắn hơn thì có mặt trên các chuyến tàu do UBND các tỉnh thuê Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chở về nhà. Hàng nghìn cây số mệt nhoài với nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao và một tương lai kinh tế gia đình ảm đạm đang chờ họ, dù chính quyền các địa phương dọc đường đã hỗ trợ, giúp đỡ họ hết mình.

Trên hành trình gian nan đó, họ đã nghĩ ước gì mình không phải đi làm xa đến thế, ước gì ở quê hay gần nhà mình, chỉ cách vài trăm cây số cũng có khu công nghiệp, nhà máy, hoặc đơn giản hơn, có bất cứ việc làm nào phù hợp, thì tốt biết bao?

 Ảnh minh họa: qdnd.vn 

Nền kinh tế Việt Nam mang đặc điểm chung toàn cầu là tập trung cao độ, một số trung tâm cung ứng đầu vào, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị và mạng sản xuất. Đại dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ lên chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các trung tâm của chuỗi. Tác giả bài viết không muốn lạm bàn về ảnh hưởng của đại dịch có làm thay đổi cấu trúc, phân bố của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai hay không mà chỉ nhìn ở góc độ việc làm cho người lao động nghèo đã kể ở trên. Hàng triệu người lao động từ các trung tâm kinh tế của đất nước đã và đang trở về quê là các tỉnh nghèo, họ sẽ làm gì để sống? Nếu họ không tự lo được nhu cầu ăn ở, tiêu dùng của chính họ, thì ai lo? Câu hỏi đó đang đặt ra cho Chính phủ và chính quyền các địa phương cấp bách không kém gì việc phòng, chống dịch.

Phải chăng, câu trả lời là nông nghiệp, nông thôn?

Những người trở về phần lớn là nông dân sống ở nông thôn, việc sản xuất nông nghiệp không hề xa lạ với họ. Nhu cầu tiêu dùng nông sản, lương thực, thực phẩm trong thời kỳ dịch bùng phát không hề suy giảm, thậm chí còn tăng cao, trong khi các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực này đều bị ảnh hưởng nặng nề, đang để ngỏ thị phần rộng lớn cho sản xuất nông nghiệp hộ gia đình và doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ.

Vậy, phải chăng chính quyền các địa phương bên cạnh việc phòng, chống dịch, cần đầu tư trí tuệ, sức lực và vốn liếng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp, kích hoạt các chính sách trong nông nghiệp để làm sao tạo được nhiều việc làm, tạo thu nhập cho người lao động nghèo nói chung và người lao động trở về từ các trung tâm kinh tế của đất nước? Nghĩ rộng hơn, dưới tác động sâu sắc của thiên tai, địch họa, việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế quốc gia từ những lĩnh vực khác trở lại khu vực nông nghiệp để giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo... là một cách đưa đất nước trở lại trạng thái "bình thường mới" theo tinh thần Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Nếu làm được điều đó, sẽ góp phần giữ ổn định kinh tế, chính trị-xã hội, đồng thời tạo ra lượng vật chất thiết yếu cho việc thực hiện mục tiêu kép: Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Với người lao động nghèo vừa trở về quê, con đường trở lại nơi làm việc cũ ở các khu công nghiệp cũng gian nan không kém gì hành trình trên xe gắn máy, xe đạp mà họ vừa trải qua. Và giờ đây, chung quanh họ, trước mặt họ là vườn, ruộng, núi, rừng, sông, biển, đất đai quê nhà thân thuộc. Để thực sự có một việc làm tốt, mang lại thu nhập đủ nuôi sống gia đình mình, họ đang chờ cơ hội được tạo ra từ các quyết sách của Nhà nước.

TRẦN HOÀI