QĐND Online - Thỉnh thoảng tôi có dịp đi xe khách "cao cấp" đường dài, giường nằm nhưng chẳng được đối xử đúng với lời quảng cáo "cao cấp", giường nằm và đúng giá trị đồng tiền mua vé. Thường là có vé hẳn hoi nhưng xe chật, chở quá số người nên được nhà xe "mời anh vui lòng ngồi tạm". Vậy mà chỗ ngồi cũng không yên, khách đông quá, nằm ngồi chen chúc ngay lối đi giữa các dãy giường nằm. Ngồi thu mình, co chân khó chịu mà thấy xe vẫn dừng giữa đường lấy thêm khách, tôi than phiền yêu cầu xe không nhận thêm người. Cái giọng "thông cảm" của nhà xe lại cất lên. Điều đáng buồn là hành khách trên xe không ai ủng hộ tôi. Hầu hết người yên chỗ thì im lặng còn nhiều người ngồi, nằm dưới sàn lại bảo: "Thôi, mỗi người chịu khó một chút". Số người này mua vé giá rẻ, có chỗ trên xe là được.
Không chỉ vậy, cứ từng đoạn lái xe, phụ xe lại yêu cầu hành khách cúi đầu, ngả người thấp xuống. Ấy là lúc xe đi qua trạm kiểm soát giao thông cố định hay thấy bóng cảnh sát cơ động từ xa. Vậy là nhà xe phạm luật chẳng ai có ý kiến gì. Vậy là hành khách và cả tôi nữa cũng đã là tòng phạm.
 |
Bọn móc túi thường ra tay khi xe buýt đông khách thế này . Ảnh minh họa/Nguồn: Thanhnien.vn |
Câu chuyện trên chỉ là chuyện nhỏ ngày thường. Chúng ta ai cũng có thể gặp khối sự việc bất bằng, vi phạm luật pháp nhưng đều cho qua, cam chịu. Ở chợ, khối thứ hàng hóa không bảo đảm chất lượng vệ sinh, an toàn nhưng chả ai có ý kiến gì. Ở các cửa hàng, ở dãy quán xá bên đường mũ bảo hiểm "dỏm" bày bán công khai mặc kệ. Xe quá tải đi cả đoàn trên đường ai cũng thấy nhưng cho qua. Hàng lậu đủ loại bán la liệt, người dân cứ mua vì giá rẻ, tiện lợi. Ô tô, xe máy vượt đèn đỏ rất nguy hiểm nhưng chẳng ai nhắc nhở ai trừ khi có va chạm với mình...
Pháp luật là chuyện lớn, bao quát mà cũng là từng việc nhỏ, chi tiết nằm trong mọi hoạt động xã hội, mọi ngõ ngách cuộc sống và mọi hành vi mỗi con người. Nhà nước có bộ máy thừa hành, duy trì pháp luật để điều chỉnh xã hội, công dân nhưng người dân không coi trọng, đề cao việc chấp hành pháp luật, không ủng hộ bộ máy, biện pháp và con người thực thi thì Nhà nước, xã hội pháp quyền vẫn chỉ là những điều xa xôi.
Còn bao hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, còn bao sự việc quan chức lạm quyền, tội phạm xã hội lộng hành nếu không có sự tham gia phát hiện, ngăn ngừa của người dân thì những sự việc, con người vi phạm pháp luật vẫn tồn tại, lây lan.
Vì sao người dân im lặng, ngó lơ trước những vi phạm? Không phải họ không biết đúng, sai nhưng vì quan niệm co mình, yên thân, không dây tránh sự "không phải đầu thì phải tai"; vì tâm lý không ưa chuyện thóc mách xía vào việc người khác, thậm chí cả lối ứng xử xưa cũ, tiêu cực "chết một đống còn hơn sống một người"...
Làm thế nào để phát huy tính tích cực công dân trong khi người dân còn mang nặng tâm lý thụ động, co mình trước nhiều hoạt động xã hội và trước các vi phạm pháp luật là một vấn đề rất lớn và rất khó. Hệ thống giải pháp đương nhiên là nhiều và đồng bộ nhưng mọi điều đều phải bắt đầu từ bộ máy thi hành pháp luật. Đó là nòng cốt, là chỗ dựa cho xã hội.
Đồng thời với việc giáo dục, thưởng phạt, duy trì, kiểm tra đôn đốc nghiêm cách, kịp thời, thường xuyên bộ máy, chính quyền và hệ thống chính trị cần thực sự vào cuộc với những hình thức, biện pháp tổ chức giáo dục nâng cao ý thức chấp hành luật trong mọi đối tượng nhân dân, hỗ trợ, bảo vệ, tạo điều kiện để mọi người đều có thể tham gia phát hiện sai phạm, bảo vệ luật pháp.
Tôi đã từng nhiều lần theo số máy "đường dây nóng" để có ý kiến với nhà chức trách song chẳng mấy khi có người nhấc máy hoặc có nghe, có trả lời nhưng không có sự can thiệp kịp thời, hiệu quả. Thế mà chỉ có rất ít lĩnh vực, địa phương, cơ quan công bố đường dây nóng. Giá như ở những bến bãi, bệnh viện, ở nơi thường xuyên tập trung đông người như chợ, các ngõ phố huyết mạch hay ngay trên mỗi chiếc xe khách, toa tàu đều có số máy có thể gọi trực tiếp hay nhắn tin?
"Chẳng thấy nhà chức trách đâu" hoặc "không biết kêu ai" là hiện tượng phổ biến. Không có chỗ dựa, người dân đành im lặng, ngó lơ là chuyện thường tình. Không tìm ra những giải pháp hữu hiệu để dựa vào dân giáo dục, thi hành luật pháp, chính quyền và "các cơ quan chức năng sẽ khó hoàn thành trọng trách".
NGUYỄN MẠNH