QĐND - Một tin vui đến với các quân nhân hiếm muộn thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP), đó là Bộ tư lệnh BĐBP vừa ban hành Quy chế quản lý và sử dụng “Quỹ hiếm muộn con”. Theo đó, quỹ sẽ hỗ trợ quân nhân hiếm muộn với mức cao nhất là 30 triệu đồng/trường hợp/lần; mỗi quân nhân hiếm muộn nhận được hỗ trợ tối đa hai lần điều trị đầu tiên. Đối với các gia đình quân nhân hiếm muộn nhận con nuôi là trẻ sơ sinh, có đầy đủ thủ tục pháp lý, được nhận hỗ trợ 5 triệu đồng.

Cách đây hơn một năm, Bộ tư lệnh BĐBP tổ chức gặp mặt các đối tượng quân nhân hiếm muộn để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, những vướng mắc, khó khăn trong công tác cũng như quá trình điều trị hiếm muộn. Hầu hết các trường hợp hiếm muộn con đều đã kết hôn nhiều năm, có những trường hợp hơn 10 năm, đã điều trị nhiều lần, nhưng chưa có kết quả. Các trường hợp hiếm muộn hầu hết tuổi đời còn trẻ, địa bàn công tác xa nhà, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, trong khi việc điều trị hiếm muộn đòi hỏi sự kiên trì và chi phí tốn kém. Những khó khăn đó làm cho không ít quân nhân hiếm muộn rơi vào trạng thái bi quan, thậm chí có trường hợp buông xuôi.

 Ảnh minh họa. Mạnh Thắng.

Nhằm chia sẻ khó khăn, động viên tinh thần đối với những gia đình quân nhân hiếm muộn, Bộ tư lệnh BĐBP đã có nhiều cách làm thiết thực, tạo điều kiện hỗ trợ các quân nhân hiếm muộn bằng những chính sách cụ thể. Đó là, không điều động các đồng chí thuộc diện hiếm muộn đi công tác ở các đơn vị xa nhà; sớm điều chuyển các đồng chí đang công tác xa về đơn vị gần gia đình; lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị BĐBP ưu tiên sắp xếp, bố trí cho các đồng chí hiếm muộn được nghỉ phép dài ngày hơn so với quy định để có thời gian đi điều trị tại các trung tâm lớn ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh. Các cơ quan hành chính-hậu cần thuộc BĐBP ở hai thành phố này bảo đảm chỗ ở miễn phí; quân y giúp liên hệ các cơ sở điều trị kỹ thuật cao cho các đồng chí hiếm muộn… Những chính sách cụ thể đó đã góp phần củng cố niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho các gia đình quân nhân hiếm muộn trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc làm cha, làm mẹ. Đến nay, sau hơn một năm thực hiện, đã có 60 cặp quân nhân hiếm muộn trong lực lượng BĐBP có tin vui, khẳng định chủ trương, cách làm  hiệu quả, mang tính nhân văn sâu sắc.

Hiện nay, trong toàn quân có khoảng 2000 trường hợp quân nhân hiếm muộn, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các cơ quan, đơn vị trong quá trình điều trị. Thủ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo Cục Quân y phối hợp với Cục Tài chính nghiên cứu, có kế hoạch, hướng dẫn các đơn vị trong toàn quân trên tinh thần tạo điều kiện tối đa, giúp đỡ hiệu quả các gia đình quân nhân hiếm muộn, tiến tới sớm có quy chế hỗ trợ gia đình hiếm muộn trong quân đội.

Để giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho quân nhân hiếm muộn sớm điều trị thành công, tìm được hạnh phúc làm cha, làm mẹ, rất cần sự quan tâm, chia sẻ của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, của đồng chí, đồng đội… ở các cơ quan, đơn vị. Đưa vào hoạt động “Quỹ hiếm muộn con” cùng quy chế sử dụng quỹ như ở Bộ tư lệnh BĐBP là một cách giúp đỡ thiết thực, hiệu quả, giàu tính nhân văn…, cần được rút kinh nghiệm, nhân rộng.

KIM ANH