Thời xa xưa, đầu xuân năm mới người dân đi hội làng, đi lễ chùa trước hết là để thỏa niềm mong ước được giao lưu với cộng đồng, được vui chơi thỏa thích sau những tháng ngày nông tang vất vả và được bày tỏ khát vọng chiêm bái, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ, người người yên vui. Thời ấy, do xã hội chưa phát triển, các phương tiện giao thông còn thô sơ, nên người dân chỉ quanh quẩn ở hội làng, hội xã và nếu xa hơn cũng là đến thăm thú, giao lưu, hội hè ở quanh các làng xã lân cận. Lễ hội thuở đó tuy đơn sơ, mộc mạc mà nồng ấm tình người, gắn kết tình làng nghĩa nước.
Công cuộc đổi mới đất nước đã tạo ra những bứt phá mạnh mẽ về kinh tế, xã hội và đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Một số lễ hội truyền thống từng bị mai một trong chiến tranh và thời bao cấp cũng dần được khôi phục lại. Một số lễ hội vốn trước đây chỉ tổ chức trong phạm vi làng xã, đã từng bước mở rộng quy mô trở thành lễ hội cấp huyện, cấp tỉnh, thậm chí cấp vùng miền. Đường sá mở rộng, các phương tiện giao thông hiện đại phát triển đã biến một số lễ hội truyền thống trở thành những điểm văn hóa-du lịch có sức hút tới hàng triệu người. Lễ hội vốn ban đầu chỉ mang ý nghĩa văn hóa, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của con người, nhưng sau này cũng mang lại một nguồn lợi kinh tế đáng kể cho không ít địa phương. Do chạy theo lợi ích kinh tế thuần túy nên đã nảy sinh hiện tượng “thương mại hóa” lễ hội.
Đò chở khách hành hương tấp nập trên dòng suối Yến. Ảnh: TTXVN
“Thương mại hóa” là một trong những biểu hiện làm lệch chuẩn các giá trị văn hóa tốt đẹp của lễ hội và nó bắt nguồn từ ý thức ứng xử kém văn minh của con người. Người dân đi lễ hội thì có biểu hiện “trục lợi” cả thần linh, thích làm những mâm cao cỗ đầy, lễ vật lớn, vàng mã nhiều để mong được nhanh giàu có, mau “thăng quan tiến chức”, thậm chí sớm thoát khỏi cảnh... lỗi lầm, tù tội. Còn chính quyền cơ sở, người làm công tác quản lý lễ hội thì tổ chức các dịch vụ kinh doanh, trò chơi có thưởng và đặt hòm công đức tràn lan… để hy vọng tìm kiếm được nguồn thu, lợi lộc từ du khách tham gia lễ hội. Một số nơi, một số người giàu lên nhờ lễ hội, nhưng đó là sự “giàu xổi”, thiếu bền vững và không phù hợp với đạo lý dân tộc.
Lễ hội truyền thống là một trong những giá trị cốt lõi để góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc và còn đồng hành lâu dài trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Vì vậy, việc cần làm hiện nay là phải làm sao để mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu đúng các giá trị của lễ hội, từ đó đề cao thái độ, ý thức, trách nhiệm ứng xử thật sự văn minh trong quản lý, tổ chức và tham gia lễ hội. Cách đây 2 năm, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội”, trong đó có nhấn mạnh: “Thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và lễ hội”. Mấy năm gần đây, hầu như năm nào Thủ tướng Chính phủ cũng ra chỉ thị yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức lễ hội phải bảo đảm văn minh, an toàn, giữ gìn mỹ tục thuần phong dân tộc, kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý lễ hội và những biểu hiện phản cảm trong hoạt động lễ hội. Sự định hướng, chỉ đạo đó của Đảng, Chính phủ cũng không ngoài mục đích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được hưởng thụ những giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp của lễ hội truyền thống, đồng thời góp phần xây dựng môi trường văn hóa lễ hội lành mạnh, nhân văn.
ANH THẢO