Đồng chí cán bộ ngồi ghế hàng sau hạ kính xuống, cười rất tươi: “Anh xin lỗi, anh đang có việc vội quá. Nhường anh nhé!”. Thế là cả hai cùng cười trả lại sự bình yên cho đường phố. Một cách ứng xử được nhiều người tấm tắc khen. Khi đồng chí cán bộ ấy xin nghỉ trước tuổi ở cơ quan nhà nước, dành tâm huyết cho hoạt động từ thiện ở các tỉnh vùng cao, trong nghề báo nhiều người tiếc.

Trên mặt báo, trên mạng xã hội những ngày qua có rất nhiều câu chuyện hay, tấm gương tốt, hành động đẹp về sự đoàn kết, sẻ chia, đùm bọc trong cộng đồng để cùng nhau vượt qua khó khăn trong dịch bệnh. Điều đó khiến bao người cảm động. Đó cũng là nét đẹp văn hóa ngàn đời của người Việt, tạo nên sức mạnh trường tồn của dân tộc. Nhưng những ngày vừa qua, cũng có quá nhiều hình ảnh xấu xí mà chính chúng ta ứng xử với nhau giữa lúc cần phải chung tay vượt qua thời điểm khó khăn này. Ấy là lối ứng xử thiếu văn hóa, vô pháp vô thiên giữa những người có nghĩa vụ, bổn phận chấp hành nó với các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm duy trì nguyên tắc xã hội.

 Ảnh minh họa/TTXVN

Người làm nhiệm vụ canh gác tại các chốt, họ là lực lượng ở những trạm kiểm soát ra vào các trục đường, ngõ, hẻm để phòng, chống dịch Covid-19 chứng kiến nhiều hơn ai hết những điều ngang tai, trái mắt ấy. Đó là tình trạng chen lấn, xô đẩy, chửi bới, thách thức lực lượng chức năng, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay... diễn ra ở ngay chốt gác. Đa phần trong số đó là do quá khích, thiếu kiềm chế, ảo tưởng về quyền lực của những người có bổn phận phải chấp hành các quy định, vì lợi ích chung của xã hội. Một nhà tâm lý học đã thốt lên rằng: “Dường như người Việt chúng ta càng ngày càng dễ nổi nóng?”. Điều ấy cho dù nó đến từ bất kỳ nguyên nhân nào, từ phía lực lượng làm nhiệm vụ (nếu có), hay từ chính những người dân đi lại qua đó thì vẫn vô cùng đáng suy nghĩ về văn hóa ứng xử của con người.

Ở chốt gác những ngày qua, câu cửa miệng: “Mày có biết tao là ai không?” nhiều như cơm bữa. Đương nhiên, tôi chẳng cần biết anh là ai, nhưng tôi biết anh là người thiếu văn hóa. Vì sao chúng ta lại không thể nói với nhau những điều tử tế? Vì sao chúng ta không thể bình tĩnh để lắng nghe, hay chờ đợi? Những sự việc đáng tiếc xảy ra suy cho cùng đều đến từ sự thiếu kiềm chế, ích kỷ, cái tôi cá nhân quá lớn và ảo tưởng về những gì mình có. Chuyện xảy ra ở chốt gác chỉ một chốc, một lát nhưng nó là hệ quả của cả quá trình giáo dục từ khi mỗi con người còn bé thơ đến lúc trưởng thành; từ mỗi gia đình, nhà trường đến xã hội.

Nhiều người nói rằng, chỉ cần nhìn cách những người đi qua chốt gác để vào cơ quan là sẽ biết cơ quan đó có nền nếp, kỷ cương, văn hóa thế nào. Đến chơi một gia đình, chỉ cần nhìn cách gia đình đó để những đôi giày, dép ở ngoài hè là biết nền nếp gia phong của gia đình đó. Câu chuyện “Lenin trong hiệu cắt tóc” hay chuyện xếp hàng dài chờ đến lượt cả trong tình cảnh “nước sôi lửa bỏng” ở một quốc gia thường xuyên bị sóng thần tưởng nhỏ nhưng thực ra lại là chuyện không hề nhỏ. Nó cho thấy, mỗi người phải được giáo dục, được dạy dỗ những điều tử tế từ khi còn rất nhỏ để người ta biết rằng sống có trách nhiệm, chia sẻ, nhường nhịn, chờ đợi là bổn phận của mỗi người.

NGUYỄN HÀ MY