QĐND - Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực giao thông vận tải. Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: Đà Nẵng là địa phương điển hình trong cả nước về lĩnh vực này. 

Ảnh minh họa/vovgiaothong.vn

 

Điểm sáng nổi nhất là Đà Nẵng đã xây dựng rất tốt văn hóa giao thông. Thành phố có hẳn một đề án “Sáng kiến cải thiện tình trạng lạm dụng chất có cồn và điều khiển phương tiện giao thông”. Văn hóa giao thông được quán triệt đến từng hộ gia đình. Nhiều hình thức tuyên truyền được lồng ghép, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tạo thành dư luận mạnh mẽ lên án những hành vi vi phạm luật giao thông… Sau hai năm triển khai đề án này, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân trên địa bàn thành phố đã có chuyển biến tích cực.

Ở Đà Nẵng, gần như không có người điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng có hơi men, càng hiếm gặp cảnh đua xe, lạng lách, đánh võng. Du khách đến Đà Nẵng đánh giá cao ý thức người dân khi tham gia giao thông, hoàn toàn không có cảnh lộn xộn giữa các phương tiện trên các làn đường, người tham gia giao thông đã dần có ý thức tự giác trong việc đi đúng làn đường quy định…

Sau hai năm triển khai đề án này, tai nạn giao thông trên địa bàn Đà Nẵng đã cơ bản được kiềm chế. Xin nêu vài số liệu: Năm 2011, số vụ tai nạn giao thông giảm 16%, số người chết giảm 22% và số người bị thương giảm 9% so với năm 2010. Năm 2012, giảm gần 17% số vụ, số người chết và bị thương giảm 14,8% và 26% so với năm 2011.

Có thể nói, văn hóa giao thông đã góp phần tích cực kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông. Xây dựng văn hóa giao thông, cũng chính là xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Vấn đề đặt ra là cách làm, cách thực hiện như thế nào cho hiệu quả. Phong trào không thể tự nhiên mà có và càng không có “phép màu” nào kiềm chế tai nạn nếu người tham gia giao thông thiếu ý thức tự giác. Biện pháp dù có tốt đến mấy thì cũng chỉ là "giải pháp trên ngọn". Cái gốc của vấn đề vẫn là tạo ra môi trường để người dân ngày càng nâng cao ý thức trong tham gia giao thông. Kinh nghiệm xây dựng văn hóa giao thông ở Đà Nẵng không chỉ kiềm chế được tai nạn mà còn có hiệu ứng lan tỏa sang các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Đây cũng là động lực để các phong trào ở Đà Nẵng phát triển.

ĐẶNG TRUNG HỘI