 |
Ảnh minh họa. Nguồn: tuoitre.vn |
QĐND Online – Lâu nay, cụm từ “cạn 100%” bỗng trở nên quen thuộc và thành thước đo mức độ tình cảm hay bản lĩnh của cánh đàn ông trong các cuộc vui. Vẫn biết, thói quen uống rượu, bia từ lâu đã gắn với sinh hoạt của người Việt những lúc vui, buồn nhưng nét văn hóa “đối ẩm” xưa ấy ít nhiều đã bị biến tướng khi rượu bia bị lạm dụng, dùng để thách và ép nhau uống.
Những cuộc nhậu “tới bến” dường như đã trở thành đích của nhiều cuộc vui. Cái sự uống lúc đó không còn là thưởng thức, là giao lưu, mà người uống uống một cách vô thức, có không ít người bị kích động chứ thực tình không muốn uống nhiều, cảm giác rượu bia lúc đó có thể chảy “như sông, như suối”.
Bởi vậy chẳng có gì làm ngạc nhiên khi Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) vừa đưa ra con số mức tiêu thụ bia rượu của người Việt Nam tăng nhanh từ 3,3 lít năm 2007 lên 3,54 lít năm 2008 và 4 lít vào năm 2010. Dự báo, đến năm 2025, mức tiêu thụ rượu bia lên đến 7 lít/người/năm. Như vậy, Việt Nam tuy có mức thu nhập đứng thứ 8 khu vực Đông Nam Á nhưng mức tiêu thụ rượu bia lại đứng thứ nhất, vượt xa so với các nước kế tiếp là Thái Lan và Philippines. Tỉ lệ tiêu thụ này hiện đứng thứ 3 châu Á và nằm trong tốp 25 thế giới.
Điều đáng nói là đằng sau cái thứ hạng nghịch lý này là tỉ lệ người chết do tai nạn giao thông cũng có chiều hướng tăng theo, trong đó 70% các nguyên nhân đều liên quan đến rượu, bia. Không chỉ là nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông, rượu bia còn có mặt trong các vụ bạo lực gia đình và các bệnh tật hiểm nghèo khác. Và mới đây nhất, ngày 2-4, hẳn nhiều người sẽ không khỏi cầm lòng và thương cảm khi nhìn gương mặt phúc hậu của bà cụ Nghiền gần 70 tuổi, làm nghề nhặt ve chai và bán vé số tại phiên tòa ở Bà Rịa, Vũng Tàu bị tuyên án 18 tháng tù vì tội giết chồng. Đó là hành động của một nạn nhân bị dồn nén bởi những bạo lực gia đình do ông chồng say xỉn liên miên gây ra, để có tiền uống rượu…
Vẫn là uống đấy nhưng nếu thử so sánh một người uống để thưởng thức, để giao lưu; uống có mức độ, phù hợp với sức khỏe và điều kiện kinh tế thì sẽ thấy sự khác biệt. Do đó, sẽ thật oan uổng khi đổ lỗi cho rượu, bia bởi điều quan trọng là ý thức của người sử dụng sản phẩm.
Nói đi cũng chỉ để nói lại rằng đến lúc người tiêu dùng nên uống làm sao có văn hóa, uống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội và cả thế hệ mai sau. Những ông bố, bà mẹ khi cầm chén rượu hãy nhắc nhở mình mình phải uống ra sao để những đứa trẻ sẽ không phải chứng kiến hình ảnh bố mẹ với “ma men” chế ngự; những người trẻ uống ra sao để không lãng phí “món quà” tuổi xuân… Không nên “hùa” theo nhau coi việc uống bia, rượu giỏi là hành vi “anh hùng”, là chuẩn mực của đàn ông; thậm chí chỉ giải quyết công việc nếu uống với nhau chén rượu.
Hiện nay dù có nhiều quy định liên quan đến hạn chế tác hại của rượu bia đã được ban hành nhưng sự tuân thủ của người bán và người sử dụng rất thấp. Thêm vào đó là việc triển khai, giám sát việc thực thi của cơ quan chức năng còn hạn chế.
Để giải quyết vấn đề này tận gốc, ý thức của người tiêu dùng vẫn là “chìa khóa” quyết định. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh rượu bia cũng cần phải nâng cao trách nhiệm xã hội của mình khi giới thiệu những thông tin về sản phẩm, góp phần nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng. Các đơn vị làm quảng cáo cũng nên hạn chế hình ảnh rượu bia, chỉ nên giới thiệu trong phạm vi cửa hàng, doanh nghiệp và chỉ phát thông tin quảng cáo trên các kênh đại chúng vào những khung giờ muộn.
THU HÀ