Nhìn từ phạm trù mỹ học, cái đẹp mang lại cho con người cảm giác hài lòng, thỏa mãn về mặt cảm xúc và quan niệm, thì việc dư luận phản ứng “vườn tượng” trưng bày 12 con giáp “khỏa thân” ở khu du lịch Hòn Dấu (Hải Phòng) cũng không có gì khó hiểu. Dù những người làm ra các bức tượng và chủ sở hữu khu “vườn tượng” 12 con giáp này có lý giải rằng, đây là những “bức tượng nghệ thuật” dành cho người 18 tuổi trở lên, nhưng phần lớn nhà quản lý, văn nghệ sĩ và họa sĩ đều có chung nhận định: 12 bức tượng đầu con giáp lại mang thân hình con người lõa thể không những chưa đạt đến trình độ nghệ thuật làm rung động thẩm mỹ công chúng, mà mang ra trưng bày nơi công cộng cũng không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Hình ảnh thiếu nữ lãng mạn trong chiều thu Hà Nội. Ảnh minh họa: vnonline.vn.

Vẻ đẹp của tác phẩm nghệ thuật mang tính khách quan, song ít nhiều đều phụ thuộc vào trình độ cảm nhận, thưởng thức, tâm lý, sở thích của mỗi người. Tuy vậy, có mẫu số chung về tác phẩm nghệ thuật được hầu hết mọi người chấp nhận, tôn trọng, yêu quý, đó là phải tạo ra một sự rung cảm về thẩm mỹ, sự thích thú về cảm giác và sự thanh khiết trong tâm hồn. Mặt khác, tác phẩm nghệ thuật muốn tồn tại thì phải có không gian văn hóa tương ứng, phù hợp. Một tác phẩm tranh thiếu nữ khỏa thân treo trong căn phòng riêng của vợ chồng trẻ là điều bình thường. Nhưng tác phẩm đó sẽ gây “chướng mắt” cho nhiều người dân Việt Nam nếu nó được trưng bày ở nơi công cộng. Mặt khác, quan niệm về cái đẹp cũng phải đặt trong bối cảnh văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Ví như với người phương Tây, khi nam thanh nữ tú trao nhau nụ hôn trên ghế đá trong công viên có đông người qua lại là thể hiện vẻ đẹp của tình yêu đôi lứa, thì với người Việt, hình ảnh đó lại chưa đẹp vì không phù hợp với lối sống nhã nhặn, kín đáo của ông cha ta.

Dịp giáp Tết Nguyên đán năm ngoái, sau khi dư luận lên tiếng, TP Hải Phòng từng phải dỡ bỏ trang trí hoa xuân trên hình con rồng ở một đường phố vì tác phẩm này gây phản cảm về mặt thẩm mỹ. Cách đây ba năm, ngành văn hóa tỉnh Gia Lai cũng đã yêu cầu đơn vị hữu quan phải chỉnh sửa tượng Vua Hùng vì dư luận không đồng tình với bức tượng được tô vẽ da trắng, môi đỏ, móng tay đỏ đặt trong Công viên Đồng Xanh (TP Pleiku). Nói thế để thấy, một tác phẩm nghệ thuật nào đó được mang ra trưng bày cho công chúng thưởng thức, thì phải được thiết kế công phu và có sự đánh giá, thẩm định chặt chẽ của các chuyên gia, nhà quản lý, cơ quan chức năng thì mới tránh hệ lụy không đáng có.

Những tác phẩm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng hàm chứa vẻ đẹp vĩnh cửu và có sức sống trường tồn cùng thời gian. Và đã là cái đẹp-nói như đại thi hào người Đức J.W Goethe cách đây gần hai thế kỷ-luôn “được chào đón ở bất cứ đâu”. Vì tự thân cái đẹp là một giá trị văn hóa tỏa ánh hào quang hấp dẫn đối với mọi người. Do vậy, bất cứ ai, từ chủ thể sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật, chủ sở hữu tác phẩm nghệ thuật đến cơ quan chức năng, người có trách nhiệm và cả công chúng đều phải có ý thức, thái độ ứng xử đúng mực với cái đẹp. Còn nếu ai đó nhân danh cái đẹp mà tạo ra những tác phẩm chưa đẹp, trưng bày tác phẩm ở những chỗ chưa đẹp, hay cố ý biện minh cho cái đẹp bằng cái nhìn chủ quan cá nhân, lại là điều chưa đẹp.

THIỆN VĂN