Ứng viên được lựa chọn sẽ được giới thiệu và tiến hành làm quy trình cán bộ theo đúng quy định hiện hành. Đây là việc làm mới và lạ. Mới là bởi vì họ làm đầu tiên (vừa kết thúc trong ngày 19 và 20-3, công bố kết quả ngay sau khi kết thúc cuộc tuyển chọn). Lạ là vì lâu nay, chúng ta chỉ quen với hai hình thức: Bầu cử hoặc chỉ định đối với chức danh này nói riêng và các chức danh trong Đảng nói chung. Nhưng cách làm này thể hiện rõ là việc bổ nhiệm chức danh trong hệ thống tổ chức của Đảng hoàn toàn có thể công khai; và cơ hội để thể hiện mình, để giúp địa phương phát triển, để tiếp tục đóng góp trí lực xây dựng Đảng... được chia đều cho mọi ứng viên nếu họ có tâm, có tầm.
 |
Ứng viên ứng tuyển chức danh Bí thư huyện ủy Đắc Lắc trình bày chương trình hành động và trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN. |
Các cuộc tuyển chọn đều có tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp với mục đích đặt ra từ ban đầu. Các tiêu chí, tiêu chuẩn được xác định trong cuộc tuyển chọn bí thư huyện ủy do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắc Lắc tổ chức, hiện tại khá phù hợp với chính nhu cầu của địa phương và phù hợp với phương châm quy hoạch, phát triển đội ngũ cán bộ. Về tiêu chuẩn đối với ứng viên dự tuyển hầu hết là những cán bộ thuộc diện quy hoạch phù hợp với chức danh. Về tiêu chí đánh giá, được xác định và lượng hóa bằng điểm từ hai nội dung chính: Xây dựng chương trình hành động và trình bày, cam kết thực hiện chương trình hành động, kết hợp với các câu hỏi của Ban giám khảo (tự ứng viên lựa chọn qua bốc thăm). Ban giám khảo sẽ cho điểm độc lập đối với mỗi ứng viên. Quá trình tuyển chọn, ở tất cả các khâu đều có phóng viên của các cơ quan báo chí theo dõi. Đây là phương pháp góp phần minh bạch kết quả cuộc tuyển chọn, có thể vận dụng vào các cuộc thi cán bộ sau này mà không phải băn khoăn đến độ chân thực của kết quả tuyển chọn.
Từ cuộc tuyển chọn bí thư huyện ủy tại Đắc Lắc cho chúng ta thấy mấy vấn đề: Việc tuyển chọn cán bộ của Đảng, của chính quyền theo hình thức công khai là việc nên làm. Bởi làm như thế sẽ tạo ra sự cạnh tranh sòng phẳng giữa các đảng viên trong Đảng, giữa các cán bộ đã trong quy hoạch, lại có thể tìm được đúng người để giao việc. Cũng làm như thế sẽ loại bỏ được hiện tượng lựa chọn, nâng đỡ "con ông, cháu cha", kẻ thân, người quen... trong bổ nhiệm cán bộ như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã chỉ ra, nhưng việc khắc phục còn rất chậm chạp. Làm như thế cũng sẽ hạn chế được nạn chạy chức, chạy quyền, vốn đang nhức nhối và là nguyên nhân căn bản làm suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, về phương pháp, hình thức tuyển chọn cũng cần nghiên cứu, tiếp tục đổi mới và rất cần các chuyên gia về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tham gia vào ban giám khảo, để bảo đảm cho phương án của các ứng viên có tính khả thi cao, không đi chệch nghị quyết của Đảng và tuyệt đối không để cho phương án của ứng viên rơi vào tình trạng “chỉ để nói cho hay”.
Lựa chọn được cán bộ tốt, thực sự có tâm, có tầm làm lãnh đạo thì địa phương sẽ phát triển, nhân dân được nhờ và cũng là tạo uy tín cho Đảng. Thế nên, dù là tuyển chọn, bầu cử hay chỉ định cán bộ giữ các vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị, là người chèo lái một địa phương thì nhất định phải cẩn trọng, để sau đó chúng ta không phải hối tiếc, không phải rút kinh nghiệm cho những sai lầm.
TRẦN TUẤN