Cán bộ, chiến sĩ đều cho rằng, trong thời đại bùng nổ thông tin, bộ đội có điều kiện tiếp nhận, cập nhật thông tin nhanh, phong phú từ nhiều “kênh”, nhiều nguồn, nhưng sách, báo ở các phòng đọc, thư viện của đơn vị vẫn là nguồn chính thống, là "món ăn tinh thần "không thể thiếu. Với bộ đội, trí thức trẻ tình nguyện… ở các đoàn kinh tế-quốc phòng, đọc sách, báo không chỉ để cập nhật thông tin, bồi đắp tư tưởng, tâm hồn, làm giàu kiến thức cho mình, mà còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kiến thức hữu ích để hướng dẫn, giúp bà con đồng bào các dân tộc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững...

Hiện nay, ở nhiều đơn vị, nhà trường, viện nghiên cứu trong quân đội, những thư viện hiện đại, những phòng đọc điện tử… đã mang lại nhiều tiện ích phục vụ nhu cầu đọc, học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của bộ đội. Việc đọc sách, báo không chỉ góp phần làm giàu thêm kiến thức, tạo nét đẹp văn hóa, mà còn là hoạt động giải trí, thư giãn bổ ích cho bộ đội sau những giờ học tập, huấn luyện vất vả.

Chiến sĩ trẻ Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 144, Bộ Tổng Tham mưu đọc sách tại thư viện lưu động (tháng 4-2018). Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn

Trong những năm chiến tranh gian khổ, ác liệt, việc cung cấp và phục vụ sách cho bộ đội vẫn được thực hiện tốt, với nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp, sáng tạo, như: Tủ sách trên vai, gói sách, ba lô sách, cabin sách… chuyển đến tận tay bộ đội trên bãi tập, chiến hào... góp phần cổ vũ, động viên, tạo sức mạnh chính trị-tinh thần to lớn để bộ đội chiến đấu, chiến thắng.

Những năm qua, hệ thống thư viện, phòng đọc ở các cơ quan, đơn vị, cùng các thiết chế văn hóa trong quân đội thực sự phát huy vai trò trong xây dựng đời sống văn hóa-tinh thần, nhân cách quân nhân, tạo môi trường để mỗi người bồi đắp phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, là nền tảng, cơ sở tạo nên sức mạnh chính trị-tinh thần của Quân đội ta. Đặc biệt, từ năm 2014, Ngày Sách Việt Nam (21-4 hằng năm) được toàn quân tổ chức chu đáo, thiết thực, với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả. Trong dịp này, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị nhiều lần trực tiếp chủ trì phát động phong trào đọc sách trong toàn quân. Các cơ quan, đơn vị, bằng nhiều hình thức, như: Luân chuyển sách, báo, cấp phát sách đến đơn vị; tổ chức hội thi, cuộc thi tìm hiểu, tuyên truyền giới thiệu sách; giao lưu tác giả-tác phẩm, trưng bày, triển lãm, tọa đàm và nhiều hoạt động hướng về cơ sở… thực sự góp phần tạo phong trào, thói quen, hứng thú đọc sách, từng bước hình thành văn hóa đọc của bộ đội.

Sự phát triển của quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đã và đang đặt ra yêu cầu cao đối với mỗi quân nhân. Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, cán bộ, chiến sĩ còn tham gia nhiều lĩnh vực hoạt động khác. Việc phát triển văn hóa đọc; cập nhật, bổ sung kiến thức toàn diện trên các lĩnh vực là yêu cầu quan trọng, góp phần xây dựng nhân cách, phẩm chất người quân nhân cách mạng trong thời kỳ mới, xây dựng môi trường văn hóa quân sự. Văn hóa đọc giúp mỗi cán bộ, chiến sĩ ngày càng hoàn thiện bản thân theo những giá trị chân, thiện, mỹ.

Các đơn vị trong toàn quân đang tiến hành tổng kết 5 năm (2014-2018) thực hiện Quyết định số 284/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam. Thực tế cho thấy, cùng với từng bước đổi mới hoạt động của các thư viện, phòng đọc từ truyền thống sang hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin… cần tích cực nghiên cứu, đổi mới mô hình hoạt động phục vụ nhu cầu đọc sách của bộ đội phù hợp với thực tiễn huấn luyện, SSCĐ, công tác… của từng loại hình cơ quan, đơn vị; tránh phô trương, hình thức. Thực hiện tốt công tác này góp phần tạo phong trào đọc, học và làm theo sách, báo sâu rộng trong đơn vị; cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, làm sáng đẹp hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

HÀ  ANH