Đó là một trong nhiều chỉ đạo và thực thi quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), kiên quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ quan công quyền; công khai minh bạch, chống phiền hà, sách nhiễu…trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và giải quyết thủ tục hành chính. Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/NĐ-CP, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. Theo đó, các đơn vị hành chính, sự nghiệp trong cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương được sắp xếp, thu gọn từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị. Không chỉ sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy, mà chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương được quy định cụ thể, rõ ràng, gắn với trách nhiệm của cá nhân, tổ chức... Đây được coi là bước đột phá trong CCHC ở Bộ Công Thương, đồng thời thể hiện sự quyết đoán, trách nhiệm, tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm của vị “tư lệnh ngành”-Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa.

Thực tế nhiều năm qua, việc CCHC, tinh giản bộ máy biên chế ở không ít bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị…chưa đạt được kết quả như mong muốn. Thậm chí có nơi bộ máy hành chính vẫn phình to, hoặc cắt giảm được chỗ này lại “phình ra” chỗ khác, trong khi công việc và chức năng nhiệm vụ chồng chéo, bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, hoạt động kém hiệu quả, cùng với đó là tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, sách nhiễu, tiêu cực… Thực tế, trong CCHC thì cải cách thủ tục hành chính là chưa đủ, mà phải cải cách tổ chức, bộ máy theo hướng tinh, gọn, chuyên nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Từ thực tế ở Bộ Công Thương cho thấy, trong thực hiện CCHC, vai trò của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương là hết sức quan trọng. Tinh giản bộ máy không đơn thuần là cắt giảm biên chế, hợp nhất, lắp ghép… mà cần điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu bên trong của mỗi cơ quan, đơn vị phù hợp tình hình thực tiễn, không bỏ sót, bỏ trống, hoặc để chồng lấn chức năng, nhiệm vụ; tách bạch được chức năng quản lý Nhà nước với thực hiện chức năng dịch vụ công… Thực tế, ở đâu, cơ quan, đơn vị nào người đứng đầu quan tâm thực hiện rốt ráo, triệt để thì ở đó việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực và ngược lại. Đẩy mạnh CCHC còn là một yêu cầu đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, phải đồng bộ với đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ và cơ chế vận hành thống nhất, thông suốt của toàn hệ thống chính trị.

Bằng các giải pháp đồng bộ, quyết tâm cao, từng bộ, ngành, địa phương, đơn vị, theo chức năng nhiệm vụ, cần chủ động tham mưu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực, loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo…; đặc biệt là đề cao vai trò, trách nhiệm, sự quyết đoán, “nói đi đôi với làm” của người đứng đầu, dám từ bỏ tư duy, cách làm cũ đã lỗi thời, kém hiệu quả; xử lý nghiêm các vi phạm, sai phạm của cán bộ, công chức. Có như vậy, công tác CCHC, kiện toàn, tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước mới đi vào thực chất; hiệu lực, hiệu quả cao và bảo đảm xây dựng một nền hành chính quốc gia của dân, do dân, vì dân.                  

ANH QUÂN