Theo đó, sẽ có hơn 600 đại biểu của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự hội nghị. Đây cũng là diễn đàn để các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết phát triển kinh tế - xã hội, khảo sát, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.

Rất nhiều ý kiến của các nhà đầu tư đánh giá, đây là dấu hiệu cho thấy sự “chuyển mình” mà quan trọng nhất là thay đổi tư duy ở một tỉnh vẫn được xem là nghèo của cả nước. Cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư là một trong những mục tiêu hàng đầu mà Tuyên Quang đặt ra. Từng được xem là “vùng trũng” trong phát triển kinh tế, ngân sách phụ thuộc phần lớn vào Trung ương, tỉnh Tuyên Quang đang đặt ra mục tiêu trở thành “tỉnh phát triển khá của các tỉnh miền núi phía Bắc” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV, nhiệm kỳ 2016-2020 đề ra.

leftcenterrightdel
 Một góc thành phố Tuyên Quang. Ảnh minh họa/nguồn internet.
Để minh chứng cho sự thay đổi này, Tuyên Quang có một loạt chủ trương, chính sách được xem là đột phá. Chỉ vài năm nay, tỉnh đưa ra nhiều chính sách ưu đãi và đã thu hút các doanh nghiệp lớn vào đầu tư, như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn FLC, Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Woodsland, Tập đoàn DABACO Việt Nam... Cùng với các doanh nghiệp lớn, nhiều ngân hàng thương mại đã “đổ bộ” vào Tuyên Quang, như: Vietinbank, SHB, Liên Việt Postbank, MB… Hệ thống giao thông của tỉnh đã thay đổi nhanh và ngày càng thuận tiện. Lãnh đạo tỉnh đang rất sốt sắng đề nghị Trung ương sớm mở đường cao tốc Phú Thọ-Tuyên Quang để kết nối với cao tốc Hà Nội-Lào Cao. Với tiềm năng lớn về khoáng sản, du lịch, nguồn nguyên liệu nông, lâm sản dồi dào… khi đường cao tốc được kết nối, các doanh nghiệp và du khách đến với Tuyên Quang hứa hẹn sẽ rất khởi sắc.

Cùng với sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, thay đổi có tính quyết định chính là tư duy về cách làm mới của đội ngũ lãnh đạo các cấp. Cùng với quyết tâm thăng hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được khảo sát và công bố hằng năm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, tỉnh cũng đề ra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DCI). Theo đó, 100% các sở, ngành, huyện, thành phố được tiến hành khảo sát chấm điểm theo 3 tiêu chí lớn, gồm: Minh bạch thông tin; thái độ giải quyết công việc với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; thời gian khi thực hiện các thủ tục hành chính. Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện cắt giảm tối thiểu 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Điều này khiến môi trường đầu tư vào tỉnh ngày càng thông thoáng. Chương trình “cà phê doanh nhân” mà lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang thực hiện đang nhận được sự hoan nghênh và đánh giá tích cực từ doanh nghiệp. Theo đó, hằng tháng, lãnh đạo tỉnh sẽ đối thoại với các doanh nghiệp qua một buổi cùng nhau uống cà phê. Tại buổi đối thoại này, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ cùng trao đổi, tháo gỡ khó khăn, ghi nhận những phản hồi từ doanh nghiệp. Tuyên Quang đang hướng đến mục tiêu đưa nền hành chính từ quản lý sang phục vụ, cung cấp những dịch vụ công hữu ích để doanh nghiệp và nhân dân được hưởng lợi. 

Sự “chuyển mình” của một tỉnh miền núi như Tuyên Quang rất đáng được ghi nhận. Điều đó phản ánh sự năng động, đổi mới, muốn nghĩ, muốn làm sẽ có vai trò quyết định sự phát triển của bất cứ địa phương nào. Thông điệp “Chính phủ hành động” đang thổi luồng sinh khí mới tới sự phát triển chung của đất nước, ở đó không có chỗ cho kiểu tư duy trông chờ, ỷ lại.

NGUYỄN HÀ MY