Tuy nhiên, để thực sự xây dựng được một hệ thống CPĐT theo hướng hiện đại, minh bạch, thuận lợi, hiệu quả, là nền tảng góp phần xây dựng một nền kinh tế số, một xã hội thông minh thì có rất nhiều việc phải làm.
 |
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh gắn kết chặt chẽ việc xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử với cải cách thủ tục hành chính. Ảnh minh họa |
Sức mạnh của hệ thống CPĐT thể hiện rõ ở tính liên thông. Nếu sử dụng hệ thống quản trị điện tử mà tính liên thông không cao thì thậm chí còn làm phức tạp thêm thủ tục hành chính. Sự liên thông có thể giúp người đứng đầu hệ thống hành chính quốc gia không phải quá phụ thuộc vào báo cáo của cấp dưới, mà tự mình có thể kiểm tra chất lượng thực thi công việc của bất cứ cán bộ, nhân viên nào đến tận cấp phường, xã, cấp phòng theo thời gian thực. Các cơ quan Nhà nước có thể chia sẻ, khai thác dữ liệu của nhau (phần có thể chia sẻ theo luật định), hoặc doanh nghiệp và người dân có thể khai thác dữ liệu của cơ quan Nhà nước bất cứ lúc nào. Dữ liệu chính là một nguồn tài nguyên, nếu được khai thác tốt thì không chỉ phục vụ công tác quản lý Nhà nước mà thực sự sẽ thành nguyên liệu cho ngành công nghiệp 4.0... Để làm được những điều vừa nêu, rất cần một tư duy liên thông.
Trước hết, cần phải có sự liên thông về mặt công nghệ. Hiện nay, rất nhiều bộ, ngành, địa phương đã xây dựng hệ thống hành chính điện tử. Tại địa phương, không chỉ cấp tỉnh, thành phố mà thậm chí cả cấp quận, huyện cũng mua hoặc thuê các phần mềm hay hệ thống dành cho mình. Điều này tạo ra khó khăn khi muốn liên thông tất cả hệ thống, phần mềm của các nhà cung cấp khác nhau ấy nằm trong cùng một chỉnh thể thống nhất, theo cùng một ngôn ngữ lập trình. Chính vì thế, cách tốt nhất là nên tổ chức đấu thầu để có một đơn vị xây dựng hệ thống CPĐT thống nhất trên cả nước. Chính phủ sẽ thuê hệ thống này và đơn vị trúng thầu chịu trách nhiệm vận hành, thường xuyên sửa đổi, nâng cấp hệ thống theo yêu cầu của Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương chỉ việc sử dụng. Bên sử dụng không cần phải đầu tư hệ thống máy móc, không phải trả lương nhân viên để duy trì. Để thực hiện được điều này phải vượt qua những rào cản về lợi ích. Cũng cần phải có một thiết kế, một ngôn ngữ lập trình chung của cả hệ thống CPĐT quốc gia. Tất cả nhà cung cấp dịch vụ phải thiết kế theo cách chung ấy.
Tiếp theo là vấn đề chia sẻ dữ liệu. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ ra rằng: “Thói quen cát cứ dữ liệu còn tồn tại trong nhiều cơ quan Nhà nước”. Đó là bởi từ xưa tới nay, cơ quan nào quản lý dữ liệu của cơ quan đó, phục vụ nhiệm vụ của cơ quan đó. Các cơ quan không cần, không muốn, không bắt buộc phải chia sẻ các dữ liệu cần thiết, hoặc có chia sẻ cũng cần phải có công văn giấy tờ khá phức tạp. Do đó, cần phải có luật định về chia sẻ dữ liệu của các cơ quan Nhà nước trên hệ thống điện tử. Cần phải làm rõ dữ liệu nào cần bảo mật tuyệt đối; dữ liệu nào có thể chia sẻ, chia sẻ ở mức nào; dữ liệu nào có thể cung cấp miễn phí và dữ liệu nào cần phải mua...
Vì thế, để xây dựng được hệ thống CPĐT hiệu quả, rất cần hình thành một tư duy liên thông, mà mọi thành phần đều thấy được lợi ích của việc liên thông. Trong đó, lợi ích quốc gia là quan trọng nhất.
HỒ QUANG PHƯƠNG