Không thể phủ nhận chương trình xây dựng nông thôn mới trong 5 năm qua đã thay đổi diện mạo của nông thôn, tuy nhiên, vấn đề nợ đọng hiện là bài toán nan giải. Theo báo cáo giám sát, có 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng. Những địa phương có nợ đọng lớn như Bắc Ninh hơn 1.600 tỷ đồng, Thái Bình hơn 1.200 tỷ, Thanh Hóa hơn 1.500 tỷ, Nghệ An gần 900 tỷ đồng, Vĩnh Phúc hơn 900 tỷ đồng, Hải Dương gần 900 tỷ đồng… Đã có địa phương mất khả năng thanh toán như huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu), nợ xây dựng cơ bản là 397 tỷ đồng. Số xã có nợ đọng là 3.637, chiếm 40,7% tổng số xã xây dựng nông thôn mới trên cả nước.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Hải Hậu tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn. Ảnh: CHU ANH 

Ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và dư luận băn khoăn, số nợ xây dựng cơ bản các địa phương chưa xử lý xong nay nhiều địa phương chạy theo thành tích, đầu tư dàn trải xây dựng nông thôn mới rồi lại nợ tiếp. Vấn đề này cần phải nhìn nhận nghiêm túc để có hướng xử lý. Không thể dùng ngân sách nhà nước để xử lý bù vào số nợ của các địa phương này. Nếu làm như thế sẽ không công bằng, bởi có những xã không nợ, không chạy theo thành tích xây dựng ồ ạt thì sẽ không được hưởng ngân sách này, đó là chưa kể cách làm ấy sẽ tạo ra tiền lệ xấu. Bài học nhãn tiền là tỉnh Hà Giang từng mất khả năng trả nợ khiến hàng chục doanh nghiệp phá sản theo khi tỉnh này nợ các doanh nghiệp trong xây dựng cơ bản hàng nghìn tỷ đồng giai đoạn năm 2004-2006. “Túng quá hóa…làm liều”, có địa phương huy động sức dân bằng cách chia bình quân, bổ đầu đóng góp kinh phí từ trẻ em đến người cao tuổi hết khả năng lao động. Đây là cách làm sai về chủ trương xây dựng nông thôn mới.

Có một thực tế trong xây dựng nông thôn mới là nhiều địa phương chạy theo xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa chú trọng đến sự đầu tư phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Một số nơi xây dựng trụ sở UBND xã rất hoành tráng nhưng công năng sử dụng không tương xứng, hay những công trình cấp nước sạch, kênh mương xây xong không sử dụng được… trong khi cái người nông dân cần đó phương thức phát triển kinh tế hiệu quả, là nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, hiệu quả canh tác, có đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định, môi trường không bị ô nhiễm… Đó mới là sự bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Trong số các tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới thì các tiêu chí như: Thu nhập của người nông dân, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, môi trường, trật tự an toàn xã hội, nâng cao dân trí... là quan trọng nhất thì nhiều địa phương lại chưa chú trọng mà chỉ đầu tư vào các tiêu chí dễ nhìn thấy, dễ báo cáo như: Điện, đường, trường, trạm… Đây là vấn đề cần có sự đánh giá và nhìn nhận nghiêm túc về cách xây dựng ở các địa phương.

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng, cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, lựa chọn nội dung, bước đi phù hợp với khả năng thực tế là vấn đề cốt lõi, nếu không nó sẽ trở thành gánh nặng cho các địa phương. Không thể xây dựng nông thôn mới bằng cách đốt cháy giai đoạn, chạy theo thành tích khi thực lực chưa đủ.  Xây dựng nông thôn mới cần nhận thức mới, tư duy mới và cách làm mới.

 NGUYỄN HÀ MY