Đúng là mỗi khi nền kinh tế đất nước lâm vào tình thế khó khăn, nông nghiệp càng khẳng định được vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Năm 2020, kinh tế thế giới suy thoái trầm trọng, nền kinh tế nước ta cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, bản thân ngành nông nghiệp cũng phải chịu tác động tiêu cực do dịch bệnh, thiên tai nhưng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; chiếm tỷ trọng 14,85% GDP; đóng góp xuất siêu hơn 10 tỷ USD. Đó là thành quả xứng đáng cho cả một quá trình dài định hướng chính sách đầu tư vào nông nghiệp của Đảng, Nhà nước, trực tiếp triển khai thực thi các chính sách ấy là ngành nông nghiệp, ngân hàng và chính quyền địa phương. Thành quả của ngành nông nghiệp hôm nay cũng chứng minh rằng, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp là hoàn toàn đúng đắn. Chính sách ấy không chỉ giúp nâng cao mức sống của người làm nông nghiệp, phát triển hạ tầng khu vực nông thôn mà còn giúp nền kinh tế nước nhà được gia cố thêm một trụ đỡ vững chãi.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, ngành nông nghiệp thời gian qua vẫn chưa giải quyết triệt để được những “nút thắt” trong lưu thông hàng hóa. Mới đây nhất, người dân Mê Linh (Hà Nội) phải đội mưa thu hoạch cà chua, củ cải... để tranh thủ bán khi được “giải cứu” với giá chỉ 1.500 đồng/kg cà chua. Cách đó chỉ vài chục cây số, ngoài chợ, giá cà chua vẫn ở mức 8.000 đồng/kg, trong siêu thị, giá bán còn cao hơn nữa. Giá nông sản từ tay nông dân đến tay người tiêu dùng tăng 5, 6, thậm chí cả chục lần dù chỉ cách vài chục cây số, cho thấy đó không chỉ là câu chuyện của quy luật cung-cầu mà còn là vấn đề lưu thông hàng hóa, là sự kết nối giữa nông dân với người tiêu dùng.

Chăm sóc cây dưa lê Hàn Quốc tại Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Quang Minh, thôn Hương Thịnh, xã Quang Minh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Ảnh minh họa: TTXVN.

Để nông dân kết nối với người tiêu dùng nhanh hơn, hiệu quả hơn, giảm bớt sự phụ thuộc vào một số ít thương lái dẫn tới bị ép giá, thậm chí bị “bỏ rơi”, rất cần sự xuất hiện các sàn giao dịch trực tuyến về nông sản-nơi nông dân ở khắp nơi trên cả nước đều có thể rao bán nông sản của mình một cách nhanh chóng, ngay từ khi chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Các nhà bán lẻ, hệ thống siêu thị qua đó rất dễ định hình vùng nào đang có sản phẩm chuẩn bị được thu hoạch; điều tiết được hàng hóa từ vùng sản xuất tới khu vực tiêu thụ trên cơ sở tối ưu hóa chi phí vận chuyển; kết nối trực tiếp với nông dân để thu mua tận gốc, đưa hàng hóa về tay người tiêu dùng nhanh hơn, giá cả hợp lý hơn.

Trong thời đại 4.0, mọi thứ nếu xa rời công nghệ đều sẽ nhanh chóng trở nên tụt hậu. Sản xuất nông nghiệp ở nhiều nước đã rất hiện đại, từ sản xuất tới thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng bao bì nông sản đều được thực hiện bằng máy, tự động hóa gần như hoàn toàn. Do vậy, nếu nông dân Việt Nam không đón đầu để trở thành nông dân 4.0, chắc chắn sẽ phải nhường thị phần thế giới, thậm chí là thị phần trong nước, cho nông dân nước ngoài...

Nhiều nước trên thế giới trở thành nước có thu nhập cao nhờ phần đóng góp quan trọng của nông nghiệp, điển hình như Hà Lan; hoặc những nơi có điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt, điển hình như Israel nhưng vẫn xây dựng được nền nông nghiệp hiện đại, không chỉ bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia mà còn tham gia xuất khẩu. Việt Nam có lợi thế rất lớn để phát triển nông nghiệp, càng cần phải quan tâm, gia cố nhiều hơn đối với“trụ đỡ” rất quan trọng này của nền kinh tế.

CHIẾN THẮNG