Cùng với sự hội nhập và phát triển của đất nước, các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Dương… đều có những dự án, kế hoạch để xây dựng đô thị thông minh, nhất là việc ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, AI hiện vẫn là một điểm “nghẽn” của các địa phương, trong đó vấn đề nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng AI chưa được quan tâm đúng mức.

Tại Hội thảo “Nghiên cứu ứng dụng AI giai đoạn 2019-2025 ở TP Hồ Chí Minh” vừa diễn ra, hầu hết các đại biểu, nhà khoa học và chuyên gia đều nhận định: TP Hồ Chí Minh đang ở phía sau việc ứng dụng AI trong cuộc sống, nhất là trong xây dựng đô thị thông minh. Không chỉ TP Hồ Chí Minh, mà các đô thị khác của nước ta cũng lúng túng trong các hoạt động nghiên cứu, đào tạo AI.

Ảnh minh họa.

Trên thực tế, AI giúp máy tính có trí tuệ của con người, như: Biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề; biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói; biết học và tự thích nghi… Những tính năng này nếu được ứng dụng rộng rãi, hiệu quả trong sản xuất và đời sống, sẽ tạo ra năng suất lao động rất cao, quản lý và điều hành xã hội chặt chẽ trong các hoạt động, như: Giao thông, an ninh trật tự, tài chính, thương mại, điện tử… góp phần thay đổi cuộc sống một cách nhanh chóng và trở thành yếu tố quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý, điều hành xã hội, hay bảo đảm quốc phòng, an ninh...

Với tầm ảnh hưởng của mình, AI sẽ góp phần to lớn trong xây dựng các đô thị thông minh, nhất là trong điều kiện tốc độ đô thị hóa nhanh, tăng trưởng dân số, áp lực về giao thông, môi trường, y tế, giáo dục, quản lý an ninh trật tự. Nó sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà quản lý, doanh nghiệp, cũng như quốc gia. Nếu nắm bắt tốt những cơ hội, sẽ giúp các cá nhân, tổ chức, bộ máy, quốc gia phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng với thế giới.

Muốn xây dựng đô thị thông minh thì không thể không có AI. Vì vậy, Nhà nước, chính quyền các địa phương cần phải có chiến lược phát triển AI, trước mắt là phải có và thực hiện các đề án: Xây dựng hạ tầng số, xây dựng cơ chế chính sách riêng và xây dựng nguồn nhân lực để phát triển AI; đẩy mạnh xây dựng chính quyền số của các đô thị và xây dựng hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu cho đô thị của mình. Các đô thị của chúng ta phải có quỹ đầu tư (trong đó có sự đóng góp của các doanh nghiệp và nhà đầu tư) tạo nền tảng cho sự phát triển của AI, với mũi nhọn là phát triển nguồn nhân lực và cần có một kho dữ liệu số mở có sự liên kết giữa các cơ quan làm cơ sở cho những hoạt động khác.

 Đô thị thông minh phải sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để quản lý hiệu quả mọi vấn đề, để thành phố có: Sản xuất thông minh, thương mại thông minh, y tế thông minh; giao thông thông minh, trung tâm điều hành thông minh; giáo dục thông minh; môi trường thông minh; quản lý nước, rác thải thông minh... Vì vậy, đầu tư cho phát triển AI không chỉ để cho mục đích xây dựng đô thị thông minh, cho mục tiêu ngắn hay trung hạn mà còn cho chiến lược xây dựng và phát triển đất nước về lâu dài.

LÊ PHI HÙNG