Nhiều tạp chí, nhất là các tạp chí điện tử không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích theo giấy phép được cấp. Trước thực trạng đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai kế hoạch xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, người dân bức xúc.

Kết thúc giai đoạn 1 (tháng 9-2022), cơ quan quản lý nhà nước về báo chí tiến hành làm việc, thanh tra, kiểm tra đối với 16 cơ quan báo chí (trong đó có 9 tạp chí); ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 616 triệu đồng.

leftcenterrightdel

Những năm gần đây, sai phạm của các trang thông tin điện tử tổng hợp, nhất là tình trạng "báo hóa” tạp chí xuất hiện khá phổ biến, gây bức xúc trong xã hội. Ảnh minh họa: dangcongsan.vn 

Tuy nhiên, nhiều tạp chí điện tử vẫn cố tình "lờ" quy định hoặc tìm cách “lách luật” để hoạt động như báo điện tử; vẫn cử phóng viên đi cơ sở thu thập thông tin, sản xuất nội dung và đăng tin, bài như báo điện tử. Không ít lãnh đạo địa phương, chủ doanh nghiệp thường xuyên nhận được đề nghị của phóng viên, nhà báo thuộc các tạp chí đến làm việc, khai thác thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích. Sau khi đăng tải, nhiều tác giả còn gửi link (đường dẫn) tin, bài tới lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp nhằm tạo “sức ép” với mục đích không trong sáng... 

Để nhận biết dấu hiệu, hành vi vi phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định các tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí. Tuy nhiên “căn bệnh” này chưa có dấu hiệu thuyên giảm mà còn có biểu hiện "nhờn thuốc"...

Phải chăng "căn bệnh" này chưa có "thuốc đặc trị"? Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Báo chí, bảo đảm lượng hóa, phân biệt rõ giữa báo và tạp chí, nhất là báo điện tử và tạp chí điện tử; xác định rõ tôn chỉ, mục đích của báo điện tử, tạp chí điện tử; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản; của cán bộ, phóng viên, nhân viên các cơ quan báo chí; quy định về giao diện, thời gian đăng, việc gỡ tin, bài; công tác sản xuất tác phẩm báo chí; việc xây dựng đội ngũ phóng viên, thành lập cơ quan thường trú của báo và tạp chí.

Quan trọng hơn, phải có cơ chế tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác báo chí; phát huy vai trò của các cơ quan báo chí và các nhà báo chân chính chống lại nạn “báo hóa” tạp chí, "tư nhân hóa" báo chí, vi phạm pháp luật về báo chí. Cơ quan chức năng phải có kế hoạch kiểm tra thường xuyên và đột xuất, xử phạt nghiêm những vi phạm; kiên quyết không để tồn tại hiện tượng sử dụng giấy phép hoạt động báo chí của tạp chí để xuất bản như báo, nhất là trên môi trường mạng. 

Đặc biệt, một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm phát hiện kịp thời dấu hiệu, hành vi vi phạm của các tạp chí là mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nhận thấy tạp chí đưa tin, bài sai tôn chỉ, mục đích hoặc bị nhà báo dọa dẫm, "vòi vĩnh", cần mạnh dạn tố giác. Tuy nhiên việc này phải được nghiên cứu thấu đáo và có cơ chế hợp lý, bởi không ít cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cũng có những sai phạm nhất định, nên thường không dám tố giác khi bị nhà báo và các tạp chí "hành" sai pháp luật.

TIẾN ĐẠT