Cũng trong dịp này, nhiều cơ quan, đơn vị, đoàn thể quần chúng, nhà trường đã tổ chức tu bổ, chăm sóc, làm đẹp nghĩa trang, tượng đài, đền thờ và nhà bia tưởng niệm dành cho các anh hùng liệt sĩ.
Có thể nói rằng, thời gian qua, phần lớn các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được tổ chức chu đáo, để lại tình cảm, ấn tượng tốt đẹp đối với các gia đình chính sách và thân nhân của họ. Nhiều tổ chức, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, nhà trường đã có những việc làm thiết thực như: Nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng trọn đời; nhận đỡ đầu hỗ trợ con liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ tiền của, công sức xây dựng nhà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho thương binh, thân nhân liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin… Những việc làm đó vừa thể hiện truyền thống tương thân tương ái, vừa là nghĩa cử ân tình, thủy chung của đồng bào, chiến sĩ dành cho các gia đình có công với nước và thân nhân của họ.
Nói thế không có nghĩa là hoạt động tri ân đều đã được làm tốt ở mọi lúc, mọi nơi. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vẫn có tư duy “xuân thu nhị kỳ” trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Nghĩa là, mỗi năm vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền và ngày 27-7 mới tổ chức đến thăm hỏi, tặng quà các thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng và người có công; cá biệt có nơi còn “triệu tập” thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công ra hội trường ủy ban xã chỉ để trao số tiền quà theo đúng quy định của Nhà nước rồi cho họ về. Có một số địa phương cũng chỉ quan tâm hương khói ở các đền thờ, nhà bia tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ đôi ba lần vào các dịp lễ, Tết, còn lại hầu như quanh năm chả mấy khi ngó ngàng tới những địa điểm linh thiêng này. Thế nên, một số nơi (nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa) vẫn còn đó những nghĩa trang liệt sĩ hoang lạnh, những đền thờ tưởng niệm liệt sĩ đìu hiu, những nhà bia tưởng niệm đầy lau lách, bụi rậm mọc xung quanh. Có nơi cũng quan tâm xây dựng, kiên cố hóa nhà ở cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ, gia đình thương binh nghèo, nhưng thời gian sau, nhà cửa xuống cấp thế nào cũng hiếm khi hỏi han để có biện pháp hỗ trợ khắc phục.
Đối với những người con đã hy sinh trọn đời và dâng hiến một phần máu xương, thân thể vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta tri ân bao nhiêu cũng chưa đủ. Hơn nữa, trong điều kiện đất nước hiện nay còn khó khăn, lại cùng lúc phải giải quyết nhiều chính sách an sinh xã hội, thì chúng ta chưa đủ điều kiện đáp ứng đầy đủ nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng của mọi thương binh, gia đình liệt sĩ. Tuy vậy, để thiết thực động viên tinh thần và góp phần bù đắp những tổn thất, mất mát cho thân nhân liệt sĩ, thương binh và Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chúng ta cần thể hiện tấm lòng tri ân sao cho đúng nghĩa và giàu tinh thần văn hóa. Việc tặng tiền, tặng quà, xây nhà, hỗ trợ vật chất cho thương binh, gia đình liệt sĩ để có điều kiện tốt hơn trong cuộc sống và lao động sản xuất rất đáng khuyến khích, nhưng việc thăm hỏi cần được thực hiện thường xuyên, chu đáo hơn. Việc xây dựng nghĩa trang, đền thờ, nhà bia tưởng niệm liệt sĩ cũng cần thiết, nhưng việc quản lý, trông nom, hương khói đều đặn hơn mới thể hiện trọn nghĩa vẹn tình với người đã khuất.
Trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xin đừng quên rằng, của cho không quý bằng cách cho. Nên hiểu “cách cho” ở đây là cách ứng xử sao cho nhã nhặn, tinh tế, có trước có sau và làm hài lòng người nhận. Mặt khác, cần coi các hoạt động tri ân vừa là tình cảm, tấm lòng chân thành, vừa là bổn phận thiêng liêng, trách nhiệm chính trị cao cả và làm thường xuyên, bền bỉ, chứ không nên chạy theo phong trào hay làm nhất thời rồi buông lỏng, buông xuôi.
THIỆN VĂN