Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người cao tuổi là của quý vô giá của dân tộc, của Nhà nước”, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện cho người cao tuổi được tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với sự quan tâm sâu sắc đó, đời sống vật chất và tinh thần của NCT đã từng bước được cải thiện. Theo thống kê của Hội NCT Việt Nam, đến nay, cả nước có hơn 1,5 triệu NCT được hưởng chính sách bảo trợ xã hội hằng tháng; gần 50% NCT được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Trung bình hằng năm có gần 2 triệu NCT được các cấp, ngành, đoàn thể chúc thọ, mừng thọ; được thăm hỏi, động viên, tặng quà nhân dịp lễ, Tết. Đặc biệt, riêng ở cơ sở, cả nước hiện có 1,24 triệu NCT tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể, một số địa phương có 70-80% NCT làm bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, trưởng bản; 350 nghìn NCT làm kinh tế giỏi…
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Luật NCT đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2010, nhưng đến nay một số quy định của luật vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Một số chế độ như: Trợ cấp xã hội, khám-chữa bệnh định kỳ… còn nhiều bất cập. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở một số địa phương còn xem nhẹ công tác chăm sóc NCT, coi công tác này là trách nhiệm của Hội NCT. Một bộ phận NCT ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… đời sống còn nhiều khó khăn; thậm chí vẫn còn tình trạng NCT bị con cháu ngược đãi, bỏ rơi, không được chăm sóc, phụng dưỡng… Các trường hợp này không phải là phổ biến, nhưng đã để lại những hệ lụy xấu trong xã hội. Thiết nghĩ, để các chủ trương, chính sách đối với NCT đi vào cuộc sống, nhất là Luật NCT phát huy hiệu quả, các cấp, ngành và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân và toàn xã hội nâng cao nhận thức, hiểu biết về các nội dung của Luật NCT. Chính quyền các cấp cần có chính sách hỗ trợ vốn cho NCT thuộc hộ nghèo và con cháu để phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời huy động sự đóng góp của cộng đồng, xã hội cho việc chăm sóc NCT.
NCT không chỉ có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu mà còn là những người đã đóng góp trí tuệ, công sức của mình vì sự phát triển và trường tồn của dân tộc. Cho nên việc chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và phát huy vai trò của NCTkhông chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước mà còn là bổn phận, trách nhiệm của các thế hệ con cháu. Theo truyền thống gia đình của người Việt, phần lớn NCT đang sống cùng với con cháu nên việc chăm sóc, phụng dưỡng ở gia đình càng trở nên quan trọng và cần thiết. Chăm sóc, phụng dưỡng NCT không chỉ thể hiện ở việc chu cấp về mặt kinh tế mà còn là sự quan tâm, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng, tôn trọng những nguyện vọng chính đáng… Thực hiện "Tháng hành động vì NCT Việt Nam" năm nay, với chủ đề "Chung sức vì NCT cô đơn, không nơi nương tựa", các địa phương đều triển khai kế hoạch thăm hỏi, tặng quà, khám, chữa bệnh… nhằm tri ân NCT. Hy vọng những hoạt động tri ân này không chỉ dừng lại trong tháng 10 mà sẽ trở thành hoạt động thường xuyên, góp phần giúp NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội.
NGUYỄN VĂN CHUNG