Bà cẩn thận nhờ tôi chuyển lời: “Do điều kiện ở xa, lại dịch bệnh không lên thăm được, món quà nhỏ như tấm lòng tri ân mong anh Chinh chóng khỏe, lạc quan”. Tôi mang lời nhắn gửi và số tiền trao tận tay khiến người CCB dâng trào xúc động.

CCB Lê Xuân Chinh có nhiều năm sống ở Điện Biên trong cảnh nghèo khó, nhà tranh dột nát, con cái bệnh tật. Vì không có giấy chứng thương nên ông không có thẻ thương binh. Biết rõ sự tình, các đồng đội đã quyên góp, kêu gọi nhà hảo tâm xây tặng ông căn nhà tình nghĩa; chứng thực giúp ông được cấp thẻ thương binh hạng 4/4; rồi tìm việc làm giúp ông vơi bớt khó khăn trong cuộc sống... Câu chuyện ấy quả đúng là một cách tri ân ý nghĩa, sáng ngời truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Tác giả bài viết trao một số tiền của bà Trần Hồng Dung, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng quản lý Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” TP Hà Nội tặng cựu chiến binh (CCB) Lê Xuân Chinh ở xã Thanh Yên, huyện Điện Biên (Điện Biên). Ảnh: Phạm Quang

Lúc sinh thời, Bác Hồ luôn căn dặn, việc động viên, thăm hỏi, giúp đỡ những thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ phải bằng những việc làm cụ thể để họ được yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần. Tri ân là một nghĩa vụ của nhân dân chứ không phải là một việc làm phúc. Quán triệt sâu sắc lời dạy đó, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, đề án... thể hiện sự trân trọng, biết ơn và chăm lo người có công (NCC) một cách thiết thực. Đặc biệt, khi mà nhiều địa phương đang phải tập trung nguồn lực chống “giặc Covid-19”, nhưng hướng đến ngày 27-7 năm nay, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, lãnh đạo các địa phương, ban, ngành... vẫn dành thời gian, thực hiện những chuyến đi đến các vùng sâu, vùng xa, vùng quê cách mạng, về với đồng bào để thăm hỏi, động viên thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ... Điều đó minh chứng cho nỗ lực, quyết tâm thực hiện nghĩa cử tri ân bằng trách nhiệm chính trị cao nhất của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn xã hội; tiếp thêm động lực giúp các đối tượng NCC vững tin, nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Khẳng định công tác tri ân, “đền ơn đáp nghĩa” là nghĩa cử cao đẹp và đã trở thành truyền thống của dân tộc ta, thế nhưng thời gian qua, chúng ta cũng thật sự băn khoăn khi phải chứng kiến một thực tế: Ở đâu đó vẫn có tâm lý tổ chức tri ân theo kiểu mùa vụ, nặng về hình thức; quy chụp việc tri ân chỉ là câu chuyện đi tặng quà, dẫn đến cách làm chiếu lệ, không gắn kết được tình cảm giữa người đi tri ân và người được tri ân. Một số ít tổ chức, đơn vị, địa phương hô hào kêu gọi ủng hộ kinh phí để xây dựng các công trình tri ân đồ sộ, nhưng chưa có kế hoạch, lộ trình cụ thể về việc quan tâm, chăm lo thiết thực đến đời sống lâu dài của NCC. Trước thực tế đó, cơ quan chức năng các cấp, nhất là ở các địa phương cần sớm có giải pháp điều chỉnh lại nhận thức, cách thức và thái độ tiến hành hoạt động tri ân ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân. Đặc biệt, phải xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh thực hiện Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" một cách thường xuyên, hằng ngày, chứ không nên tổ chức theo kiểu ồ ạt, mùa vụ rồi bỏ bẵng, thậm chí là lãng quên!

Mục tiêu quan trọng của hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người được thụ hưởng. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị nắm chắc các nhu cầu thiết thực của đối tượng NCC và hướng công tác tri ân vào các nhóm việc có ý nghĩa thiết thực, như: Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; giải quyết chế độ, chính sách cho vợ, con các liệt sĩ; tạo việc làm, hỗ trợ vốn, giống, công cụ sản xuất, giúp đỡ các gia đình đối tượng NCC phát triển sản xuất, kinh doanh... Phải quan tâm tri ân cả vật chất và chính trị, tinh thần, chứ không chỉ chú ý về vật chất. Có như vậy thì việc tri ân mới thật sự mang lại ý nghĩa và được vận hành đúng nghĩa.

PHẠM KIÊN