Do đó, việc tắt sóng công nghệ 2G để dành nguồn tài nguyên tần số quý giá cho các công nghệ hiện đại hơn và kích thích người dân sử dụng công nghệ 4G, 5G là phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng thuê bao chỉ sử dụng 2G còn hơn 10 triệu thuê bao, chiếm tỷ lệ khoảng 9% tổng số thuê bao di động trên toàn quốc.
|
|
Ảnh minh họa: Báo Dân trí |
Bên cạnh những điều lợi thấy rõ cùng xu hướng không thể đảo ngược của việc tắt sóng công nghệ 2G thì cũng cần có các giải pháp để hạn chế những tác động bất lợi của việc này. Ấy là vì trong nhóm người sử dụng di động 2G, ngoài số ít đang dùng các dòng điện thoại cao cấp thì số còn lại chủ yếu là người cao tuổi, người dân có hoàn cảnh khó khăn ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khả năng tiếp cận các thông tin chính sách còn hạn chế và rất dễ trở thành “con mồi” cho các đối tượng tội phạm lừa đảo. Vì vậy, phòng tránh rủi ro cho những người yếu thế trong việc thực hiện chuyển đổi thuê bao, thiết bị di động từ 2G sang 4G là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với cơ quan chức năng và các doanh nghiệp viễn thông.
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, lợi dụng chính sách tắt sóng 2G và nhu cầu đổi điện thoại từ 2G sang 4G của một bộ phận người dân, một số đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo, bán điện thoại di động 2G nhưng mang vỏ bọc 4G với mức giá 400.000-500.0000 đồng/máy. Các đối tượng thường sử dụng mạng xã hội hoặc chủ động tiếp cận người dân, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lý lo lắng của người dùng điện thoại di động 2G để giới thiệu các sản phẩm giả mạo. Sau khi bán sản phẩm, các đối tượng sẽ xóa tài khoản bán hàng hoặc chặn liên lạc với người mua. Không ít người dân vì ham rẻ, thiếu kiến thức đã đặt mua điện thoại của các đối tượng lừa đảo, đến khi nhận máy và lắp SIM mới phát hiện mua phải điện thoại 2G.
Do đó, để người dân có thể tiếp cận ngay với dịch vụ 4G, tránh nguy cơ bị lừa đảo thì quá trình chuyển đổi sử dụng dịch vụ 2G thành 4G phải được cơ quan chức năng, doanh nghiệp có các giải pháp hỗ trợ tích cực, đơn giản hóa quy trình, thủ tục. Doanh nghiệp cần phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường truyền thông, tổ chức bán hàng lưu động đến cấp xã, thôn, xuống tận nơi sinh sống của các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ. Doanh nghiệp viễn thông cần có phương án hỗ trợ điện thoại 4G, các gói cước phù hợp với người thu nhập thấp. Đối với người lớn tuổi, cần có các sản phẩm điện thoại di động 4G dễ sử dụng, thao tác thật đơn giản, nhất là với chức năng cơ bản như nghe, gọi.
Viễn thông được coi là một dịch vụ thiết yếu đối với người dân. Do đó, việc tắt sóng dịch vụ 2G để chuyển sang dịch vụ 4G là hoạt động lớn, có thể ảnh hưởng tới hàng triệu người nên cần có những cách làm chắc chắn, thận trọng để tránh gây rủi ro cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.
HOÀNG CHUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.