Thời gian gần đây, bộ phim bom tấn “Kong: Skull Island” của Mỹ với 70% hình ảnh quay tại Việt Nam được trình chiếu rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới, nhiều người hy vọng những phong cảnh hùng vĩ, lộng lẫy ở Quảng Ninh, Quảng Bình, Ninh Bình... sẽ hấp dẫn, lôi cuốn nhiều du khách tìm đến Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, chúng ta sẽ thấy hiện nay, xu hướng khách du lịch quốc tế đi thưởng ngoạn thuần túy ở những nơi có phong cảnh đẹp không còn chiếm tỷ lệ cao. Đa số du khách có nhu cầu kết hợp giữa khám phá thiên nhiên gắn với tìm hiểu con người thông qua nền văn hóa. Khuynh hướng hội nhập văn hóa trong thời kỳ toàn cầu hóa khiến cho số lượng dạng khách du lịch này ngày càng áp đảo. Thậm chí, tỷ lệ du khách đặt trọng tâm đi tìm hiểu văn hóa-con người chiếm tỷ lệ ngày càng nhiều. Số này phần lớn lại là những người có thu nhập không cao nên họ thường tự lên kế hoạch tìm hiểu, khám phá các địa chỉ văn hóa; tiết kiệm chi tiêu đến mức tối đa, nhiều người còn kết hợp tìm việc làm, kiếm thêm thu nhập trên dọc đường du lịch. Chúng ta thường gọi họ dưới tên gọi Tây “ba lô” hay khách du lịch “bụi”. Các công ty du lịch xuyên quốc gia không chú trọng nhiều đến đối tượng này trong khi các địa phương cũng chưa có nhiều giải pháp thu hút họ, cá biệt có nơi cho rằng khách du lịch “bụi” không đem lại lợi lộc gì bởi trình độ thấp, dè sẻn chi tiêu, khó kiểm soát...
Nhưng nếu tìm hiểu thêm, sẽ thấy rằng đa phần khách du lịch “bụi” là những người trẻ tuổi là học sinh, sinh viên và hay trí thức và người tốt nghiệp đại học chưa có việc làm. Họ đến Việt Nam với tình yêu và ước mơ được khám phá, tìm hiểu đất nước, con người và đặc biệt là nền văn hóa Việt Nam. Phần “lãi” của họ mang đến cho chúng ta rất lớn chứ không hề nhỏ. Trước hết, bởi số lượng đông đảo của khách du lịch “bụi”, đến Việt Nam với tình cảm yên mến sẵn có, họ đương nhiên trở thành “đại sứ” quảng bá hình ảnh Việt Nam đi khắp thế giới thông qua các hoạt động truyền thông của chính họ. Hơn nữa, rất nhiều người trong số đó đến Việt Nam đã tham gia vào các hoạt động kinh tế-văn hóa-xã hội với “trình độ Tây” và “thu nhập Việt”. “Ông Tây vớt rác” James Joseph Kendall – người được trao giải thưởng “Vì tình yêu Hà Nội” năm 2016 là một ví dụ. Từ chỗ sang Việt Nam du lịch “bụi”, vì tình yêu Việt Nam, James đã tự tìm một công việc dạy tiếng Anh với thu nhập “bèo”, chỉ cốt được ở lại Việt Nam. Nhóm “Keep Hanoi Clean” của anh đã lôi cuốn hàng nghìn người tình nguyện tham gia làm xanh-sạch-đẹp môi trường Hà Nội. James chỉ là một ví dụ về những mặt “được” mà khách du lịch “bụi” mang lại cho chúng ta.
Để quảng bá hình ảnh Việt Nam trên một số kênh truyền hình nước ngoài, hằng năm chúng ta đã tiêu tốn hàng triệu đô-la, đó là chưa kể chi phí quảng cáo của các địa phương, các doanh nghiệp. Trong khi đó, chúng ta có thể quảng bá hình ảnh đất nước “miễn phí” thông qua hàng triệu khách du lịch “bụi”. Vì vậy, cần phải trân trọng khách du lịch “bụi” – những “đại sứ tự nguyện” của du lịch Việt Nam.
HỒNG HẢI