Tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị là chủ trương lớn, một cuộc cách mạng sâu rộng và khoa học.
Để thực hiện chủ trương này hiệu quả, cần loại bỏ tư tưởng chủ quan, duy ý chí, áp đặt. Bởi, tinh gọn bộ máy mục đích cao nhất là nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của hệ thống chính trị, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
 |
Ảnh minh họa/binhdinh.gov.vn |
Thực tiễn, có nhiều vấn đề, cơ quan chủ quản đã tiến hành xin ý kiến rộng rãi của nhân dân; rồi hàng chục cuộc hội thảo, hàng chục chuyến khảo sát, nghiên cứu... nhưng dường như chưa thực sự mang lại hiệu quả. Vì vậy, không ít chủ trương, chính sách sau khi ban hành chậm đi vào cuộc sống, thậm chí không thể đi vào được cuộc sống. Thực hiện tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị cần phải lắng nghe, mà phải lắng nghe thực chất ý kiến đóng góp của nhân dân; tránh hình thức, làm cho có, càng không thể làm để mỵ dân.
Phát biểu tại Hội nghị Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: Trên cơ sở những nguyên tắc xuyên suốt, phải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đồng chí lãnh đạo, nhà khoa học, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài và ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân... bảo đảm mọi quyết định đều có tính khả thi, bộ máy hoạt động liên tục, thông suốt; không bỏ trống thời gian, địa bàn, lĩnh vực; bộ máy mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả ngay từ ngày đầu.
Báo QĐND
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.
Cải cách bộ máy cồng kềnh đã tồn tại trong nhiều năm là một việc vô cùng khó khăn. Ngoài điều kiện cần là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân, thì điều kiện tiên quyết là quá trình tinh gọn bộ máy luôn phải diễn ra công khai, minh bạch, dân chủ.
Tinh gọn bộ máy là công việc rất khó khăn phức tạp, cần làm từng bước, chắc chắn, có lộ trình, không nóng vội, duy ý chí, nhưng cũng không cầu toàn, trì trệ, chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi; đặc biệt, cần thực hiện triệt để và khoa học, với mục tiêu cao nhất là sớm hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “thà ít mà tốt”, bám sát Hiến pháp, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nguyên tắc của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, phù hợp với cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ".
Việt Nam có diện tích không thuộc hàng quá lớn, nhưng bộ máy hành chính các cấp thì thuộc “top” của khu vực và thế giới.