Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ kiểm tra công tác cải cách hành chính tại Quảng Ninh. Ảnh: khoahocthoidai.vn

Những địa phương có tiềm lực mạnh, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai… giữ vai trò đầu tàu, nòng cốt, tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước. Thực hiện song song hai mục tiêu quan trọng này, khu vực trung tâm là bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại gắn với ứng dụng đồng bộ công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong quản lý, điều hành của hệ thống chính trị. Vùng ngoại thành là hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tốc độ đô thị hóa nhanh, chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ truyền thống sang công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Dù mục tiêu, giải pháp ở từng khu vực khác nhau, song để đáp ứng yêu cầu phát triển, đòi hỏi tất yếu chung là phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy của hệ thống chính trị các cấp. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, các địa phương trên cả nước từng bước sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh giản biên chế, giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian. Tại TP Hồ Chí Minh, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy cấp phường/xã/thị trấn đang được triển khai quyết liệt. Theo tính toán, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, TP Hồ Chí Minh sẽ giảm khoảng 75% đầu mối tổ dân phố, tổ nhân dân.

Việc sắp xếp, giảm đầu mối các tổ chức trung gian ở những đô thị lớn là hướng đi tất yếu trong thời đại ứng dụng các thành tựu công nghệ 4.0 vào công tác quản lý, điều hành của hệ thống chính trị. Khi công nghệ thông minh dần thay thế con người ở nhiều thao tác, công đoạn, nhất là trong thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp trong hệ thống chính trị, một số lượng nguồn nhân lực của bộ máy sẽ dôi dư. Một số cấp trung gian không còn hữu ích, nếu tiếp tục để tồn tại sẽ gây ra tình trạng chồng chéo, kìm hãm sự phát triển.

Tại các địa phương triển khai mô hình xây dựng đô thị thông minh, cùng với đánh giá cao chủ trương, quyết tâm tinh gọn bộ máy tổ chức, giới chuyên gia cũng bày tỏ băn khoăn. Trong khuôn khổ các hội thảo, tọa đàm về vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng, tinh gọn bộ máy không chỉ là cố gắng để tinh giản biên chế, giảm đầu mối trung gian nhằm tiết kiệm nhân lực, giảm chi ngân sách, thúc đẩy cải cách hành chính, mà cái chính là tinh gọn là để bộ máy mạnh lên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành. Nếu chỉ tập trung lo giảm bớt các đầu mối, tinh giản biên chế theo kiểu cơ học mà “bộ khung” không có sự chuyển biến về chất thì bộ máy rất khó để mạnh lên, dù có được đầu tư phát triển công nghệ như thế nào. Chính vì vậy, bên cạnh quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy, vấn đề có ý nghĩa cấp bách và lâu dài là phải nâng tầm cán bộ, công chức, viên chức ở cơ sở, có kế hoạch bổ sung, thu hút nhân tài, tạo cơ hội, môi trường cho các nhân tố mới phát triển. Cùng với nâng cao tinh thần phục vụ, thái độ, trách nhiệm trước dân, chúng ta phải thực hiện theo lộ trình bài bản việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực quản lý, kỹ năng khai thác, sử dụng, làm chủ trang thiết bị công nghệ thông minh cho cán bộ, công chức để tạo chuyển biến đồng bộ. Đô thị thông minh không thể “thông minh” nếu hệ thống trang thiết bị của hạ tầng kỹ thuật được trang bị rơi vào tình trạng “đắp chiếu” hoặc khai thác không sát tính năng, không phát huy được chức năng “thông minh” của nó.

PHAN TÙNG SƠN