Trong đó, cần phải tiếp tục xây dựng và thực thi những chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hơn nữa. Ở khía cạnh kinh tế, theo nghiên cứu thì việc đầu tư hiệu quả 1 đồng vốn cho sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mang lại lợi ích tương đương với việc đầu tư từ 3 đến 4 đồng vốn cho phát triển nguồn cung năng lượng. 

Cách đây 12 năm, nước ta đã có Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Từ đó tới nay, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã từng bước hình thành trong nhận thức, được áp dụng trong sản xuất và đời sống, mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên có thể thấy rằng, đến nay, việc sử dụng năng lượng tại nước ta vẫn còn biểu hiện lãng phí, thiếu hiệu quả.

Ngành dệt may có thể cải thiện năng suất và hiệu quả năng lượng 20%. Ảnh: sggp.org.vn 

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, chỉ số cường độ năng lượng sơ cấp tính theo MJ/USD theo giá cơ sở 2015 cho năm 2019 của Việt Nam vào khoảng 5,94, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực ASEAN (Malaysia: 4,68; Indonesia: 3,53; Philippines: 3,12) và cao hơn rất nhiều so với các nền kinh tế hiện đại. Điều này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam không hiệu quả về mặt tiêu thụ năng lượng so với ngay cả các nền kinh tế khác trong khu vực. Hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong nhà máy điện tua-bin hơi đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28% đến 36%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 8-10%. Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành công nghiệp của nước ta cao hơn nhiều so với các nước phát triển.

 Trong giai đoạn 2006-2015, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã giúp nước ta tiết kiệm được lượng năng lượng có thể quy đổi ra 16 triệu tấn dầu, tương đương với khoảng 103,7 tỷ kWh điện. Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 đặt ra mục tiêu lớn hơn nhiều, là tiết kiệm 8-10% lượng năng lượng cho sản xuất và tiêu dùng. Với mục tiêu này, nếu hoàn thành, chúng ta có thể tiết kiệm được khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi, tương đương với tổng lượng năng lượng sơ cấp đã tiêu thụ của cả nước vào năm 2014.

Để khuyến khích việc sử dụng tiết kiệm năng lượng, hai giải pháp chính sách cần được quan tâm đó là khuyến khích và xử phạt. Trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có những điều khoản thể hiện chính sách ưu đãi về thuế, ưu đãi về đất đai, ưu đãi về vốn vay cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Có thể nói đó là những ưu đãi quan trọng và đầy tính thu hút để doanh nghiệp thay đổi công nghệ tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định này trong giai đoạn vừa qua như thế nào, hiệu quả khích lệ ra sao? Có bao nhiêu doanh nghiệp được hưởng ưu đãi này? Những điều này rất cần có nghiên cứu, tổng kết để đề ra chính sách trong thời gian tới.

Đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2022/NĐ-CP trong đó quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, với các mức phạt khá cao, có những mức phạt lên tới 100 triệu đồng. Trước đó, trong Nghị định số 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công thì các hành vi lãng phí điện, xăng, dầu tại công sở bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng. Những quy định xử phạt này cũng phải được xem xét đã được thực thi thế nào.

Việc xây dựng ý thức tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và đời sống không chỉ có ý nghĩa đối với kinh tế, mà đó chính là biểu hiện của một xã hội văn minh, giảm tác động với môi trường, phát triển bền vững. Điều này càng có ý nghĩa khi Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, quyết tâm giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.  

HỒ QUANG PHƯƠNG