Đó là sự trì trệ trong một số mặt làm ăn, thủ tục hành chính, là hạn chế về cơ sở hạ tầng, tổ chức khu dân cư, về dịch vụ, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, về những hành vi lời ăn tiếng nói, phong cách ứng xử thiếu chuẩn mực… Đồng thời lại có hướng nhận xét về những mặt tích cực, tiến bộ phổ biến trong việc duy trì bảo vệ văn hóa truyền thống gắn với những chọn lọc, tiếp biến những yếu tố mới của thời hội nhập, mở rộng giao lưu, ý thức cộng đồng, trật tự xã hội, năng động đổi mới cùng chiều sâu tình cảm, nét đẹp tài hoa và chịu thương chịu khó…
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Như bất cứ vùng miền, địa phương nào trong mỗi bước phát triển trước vận hội và thách thức mới, người Hà Nội đều cần phải nhìn lại cách làm, cách sống của mình, cả những điều mới và cũ, tích cực và hạn chế, được và chưa được. Tất cả đều hướng theo lời căn dặn và yêu cầu rất cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thủ đô phải đi đầu, phải kiểu mẫu để dẫn đầu nhân dân cả nước trong công cuộc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong khắp nước ta, để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta”.
Thủ đô Hà Nội đã đi đầu trong Cách mạng Tháng Tám, trong “Toàn quốc kháng chiến”, trong các phong trào “Thanh niên 3 sẵn sàng”, “Phụ nữ 3 đảm đang”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, chi viện cho các chiến trường để hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Thủ đô Hà Nội cũng đã đi đầu tạo dựng nên những mô hình kiểu mẫu trong sự nghiệp đổi mới. Trong quá trình phát triển, có thể nói nhiều cách làm thành công của Hà Nội đã sớm lan rộng ra nhiều địa phương. Từ tổ chức bộ máy Nhà nước, xây dựng các đoàn thể chính trị xã hội, từ đổi mới doanh nghiệp đến quản lý, xây dựng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, đến xây dựng nông thôn mới, đô thị hóa…
Việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô đi liền với xây dựng hệ thống giao thông mới cho vùng Thủ đô và giao thông nông thôn cùng các khu đô thị mới thực sự đã đưa lại những kinh nghiệm quý cho nhiều tỉnh, thành phố. Từ đường trên cao đến cầu vượt ngã tư, từ đô thị xanh sạch đẹp, trường lớp chuẩn đến xã hội hóa giáo dục. Từ hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đến các vùng chuyên canh, các hình thức sản xuất, cung ứng thực phẩm sạch. Từ các mô hình doanh nghiệp, câu lạc bộ, nhà văn hóa, các hội chợ, liên hoan văn hóa mới đến việc nuôi dưỡng, phát triển làng nghề thủ công, các lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống…
Dù là đương nhiên nhưng cũng thật đáng tiếc trong quá trình xây dựng và phát triển, nhiều việc làm, nhiều tính toán của Hà Nội đã không đưa đến những kết quả như ý muốn. Việc đô thị hóa gắn với tập trung dân cư và xây cất ồ ạt thiếu kiểm soát đã tạo nên bức tranh đô thị lộn xộn và để lại những hệ lụy nan giải. Tương tự là việc xây dựng nhiều khu đô thị thiếu đồng bộ, là hệ thống cấp và thoát nước kém chất lượng, là việc thiếu kiên quyết trong việc xử lý chợ tạm, chợ cóc, trong lấn chiếm đất công, vỉa hè, là sự trì trệ trong cải cách lối làm việc, thủ tục hành chính…
Thủ đô Hà Nội có chiều sâu ngàn năm văn hiến, song cùng với truyền thống tốt đẹp thì mặt khác nhiều di sản từ quá khứ đã trở thành lực cản níu kéo sự đổi mới đi lên. Các khu đô thị cũ sẽ ngày càng trở nên quá tải. Nếp sống buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ, ăn ở chật hẹp, tạm bợ ngăn cản suy nghĩ, bước chân khoáng đạt của con người.
Thủ đô Hà Nội có nhiều vấn đề, nhiều khó khăn giống cả nước nhưng lại có những chuyện lớn của riêng mình, cả cũ và mới. Song bất luận khó khăn, thách thức gì Hà Nội cũng phải có cách nghĩ, cách làm để vượt qua. “Phải đi đầu, phải kiểu mẫu” là trách nhiệm lớn lao mà Bác Hồ đã trao, đã gắn niềm tin vào mọi thế hệ người dân thủ đô Hà Nội. “Cả nước nhìn vào ứng xử của Hà Nội” trước hết là yêu cầu của đồng chí Bí thư Thành ủy nêu ra với đội ngũ cán bộ. Đoàn kết, tiên phong gương mẫu, nhiệt huyết sáng tạo vì nước vì dân, đó là trọng trách, là tình yêu để Hà Nội luôn thực sự “vì cả nước” và sẵn sàng học tập, tiếp thu kinh nghiệm, đón nhận sự ủng hộ, cổ vũ của “cả nước vì Hà Nội”.
NGUYỄN MẠNH