Đó là vấn đề bất cập, tồn tại trong không ít phong trào thi đua (PTTĐ), trong công tác khen thưởng. PTTĐ ở không ít nơi còn hình thức, chạy theo thành tích, có “phát” mà không “động”; nội dung thi đua chung chung. Công tác khen thưởng tập trung nhiều vào những tập thể lớn, cán bộ có chức vụ, chưa chú trọng đúng mức việc khen thưởng tập thể nhỏ, người trực tiếp lao động sản xuất. Việc báo cáo thành tích chưa đúng, chưa sát thực tế, trong khi công tác kiểm tra, giám sát, thẩm định còn hạn chế.

Việc phát động các phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực công tác, mọi mặt của đời sống xã hội, hướng trọng tâm vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị là hết sức cần thiết, nhưng yêu cầu đặt ra là phong trào phải có hình thức, nội dung đa dạng, phong phú, sát tình hình thực tế và yêu cầu phát triển của từng cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, địa phương…

Ảnh minh họa. TTXVN.

Cách đây gần 70 năm (ngày 11-6-1948) trong "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, mục đích thi đua ái quốc là: “Diệt giặc đói khổ; diệt giặc dốt nát; diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là dựa vào: Lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”. Sau này, Người tiếp tục huấn thị: “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”.

Thi đua là động lực để các tập thể, cá nhân vượt mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, vươn tới những đỉnh cao của thành tích, chiến công.  Đẩy mạnh tuyên truyền, kịp thời phát hiện, khích lệ và nhân rộng điển hình tiên tiến qua các PTTĐ là hết sức cần thiết; qua đó nêu gương, động viên mọi tầng lớp nhân dân hăng hái vượt khó, cùng nhau thi đua. Thời gian qua, nhiều ban, ban, ngành, địa phương đã có các giải pháp tích cực tăng tỷ lệ khen thưởng cho đơn vị cơ sở, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp; quy định việc bình xét các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng bảo đảm cân đối giữa cán bộ quản lý và người trực tiếp lao động, công tác... Công tác khen thưởng chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi bảo đảm kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, đúng người, đúng việc; quan tâm phát hiện nhân tố mới, tăng cường khen thưởng đột xuất, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác chuyên môn làm thước đo khen thưởng.

Để phong trào thi đua thực sự có sức sống, lôi cuốn đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng tham gia, cần phải đặt lên hàng đầu hiệu quả, thực chất của phong trào, đề cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện và kiểm tra, đôn đốc, giám sát. Kế hoạch thi đua phải được xây dựng sát thực tế, có tính khả thi, có mục đích, mục tiêu rõ ràng; phát huy cao nhất tinh thần dân chủ, năng động, sáng tạo của mọi cá nhân, tập thể. Qua mỗi đợt, mỗi phong trào thi đua, cần nghiêm túc nhìn nhận lại, mỗi tập thể, cá nhân đã làm hiệu quả, dứt điểm được phần việc gì? Khắc phục được việc khó, khâu yếu, mặt yếu nào? Tạo được chuyển biến thực sự ra sao? Đó vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp để khắc phục triệt để bệnh thành tích, hình thức trong tổ chức thi đua; nâng cao hiệu quả các đợt, các phong trào thi đua ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực./.

ANH QUÂN