Đó là một vài số liệu cơ bản do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê đưa ra cuối tuần qua tại Hội nghị Công bố kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội của 53 DTTS.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuyengiao.vn 
Những số liệu nêu trên không chỉ có ý nghĩa về mặt lưu trữ dữ liệu thống kê, mà còn phần nào phản ánh thực tế đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào các DTTS ở nước ta hiện nay. Mặc dù trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS, nhưng do điều kiện lịch sử để lại và nhất là địa hình đồi núi hiểm trở, cơ sở hạ tầng giao thông hạn chế, trình độ dân trí thấp, nên phần lớn vùng cư dân thiểu số vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn. Trong khi đó, không ít địa phương miền núi đã “tận dụng” triệt để những ưu đãi về cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, mà thiếu chủ động, năng động, sáng tạo, tìm cách đổi mới, bứt phá nên tình hình kinh tế-xã hội của các địa phương này vẫn trong tình trạng “giậm chân tại chỗ”. Đấy là chưa kể một bộ phận không nhỏ người DTTS có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền, thiếu ý chí vượt khó, vươn lên để làm chủ cuộc sống của mình... Đây là suy nghĩ, tâm lý tiêu cực cần phải khắc phục triệt để nếu người dân không muốn rơi vào tình trạng cả đời “nghèo vẫn hoàn nghèo”.

Vậy làm sao để đồng bào các DTTS ở nước ta vượt qua ngưỡng nghèo, đẩy lùi nạn đói, ngày càng có cuộc số no ấm, văn minh? Mấu chốt để giải quyết vấn đề này là ngoài việc làm tốt công tác giáo dục, vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức để bà con có ý chí vươn lên thoát nghèo, cần phải tạo ra những cơ hội phát triển cho người DTTS. Tạo cơ hội phát triển ở đây là không chỉ quan tâm đến việc giải quyết công ăn việc làm, tăng mức thu nhập để người dân từng bước cải thiện cuộc sống, mà quan trọng hơn, phải có cơ chế, chính sách đồng bộ để giúp đồng bào có điều kiện được học hành đến nơi đến chốn, nâng cao dân trí; được tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe một cách thuận lợi; được tiếp cận, hưởng thụ thông tin để có điều kiện mở mang tầm nhìn trong thời đại công nghệ số...

Kinh nghiệm giải quyết chính sách dân tộc cho thấy, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về sinh kế để ổn định cuộc sống không nên dừng lại ở những khoản vay ưu đãi của Nhà nước, mà quan trọng hơn, phải tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào DTTS có cơ hội được tiếp cận những dịch vụ văn minh của xã hội hiện đại. Bởi vì, đôi khi “cái nghèo luẩn quẩn cái nghèo” có nguồn gốc sâu xa từ “vòng kim cô lạc hậu” của phong tục tập quán bao đời để lại, chứ chưa hẳn là thiếu sự trợ giúp kinh tế của chính quyền đối với người dân. Hay nói cách khác, tạo cơ hội bình đẳng để người DTTS có điều kiện phát triển về mọi mặt là việc làm thiết thực nhằm từng bước đẩy lùi, xóa bỏ những tàn dư lạc hậu trong suy nghĩ, nhận thức, tâm lý của bà con để họ tự biết đứng trên đôi chân của mình và vươn lên làm chủ cuộc sống.

ANH THẢO