QĐND - “Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi/ Hùng thiêng trong tiếng chiêng đồng/ Tôi nghe trong đoàn quân đi/ Tôi nghe trong lời bão tố/ Bốn nghìn năm đất nước gian nan/ Giai điệu cháy trong tình yêu nước vô ngàn”…
Mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, có lẽ không người Việt nào lại không từng rung động con tim và trào dâng niềm xúc cảm tình yêu quê hương, đất nước khi nghe những ca từ thân thương, mượt mà với giai điệu hào sảng, trầm hùng trong ca khúc “Giai điệu Tổ quốc” (Trần Tiến). Ngày thường, nghe những giai điệu ấy, lòng người đã lâng lâng. Những ngày lễ trọng như dịp Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, được nghe lại những bài ca cách mạng “đi cùng năm tháng”, tình quê nghĩa nước trong mỗi trái tim Việt lại càng thêm nồng nàn, thấm thía.
 |
Ảnh minh họa.
|
Dân tộc Việt là một dân tộc yêu chuộng thơ ca. Dẫu không phải tất cả người Việt đều có tố chất làm thơ, khả năng sáng tác nhạc, song hầu như ai cũng mang trong mình “gien” mê thơ, say nhạc. Người Việt thường động viên nhau “Hát hay không bằng hay hát”. Thế nên, trong những năm kháng chiến vô cùng gian khổ, ác liệt, phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” vẫn vang lên rộn rã trên khắp các chiến trường, mặt trận. Có thể nói, đó là một trong những phong trào mang đậm "tâm hồn Việt, khí phách Việt” và trở thành một trong những nhân tố tinh thần quan trọng giúp chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
“Tâm hồn Việt, khí phách Việt” ấy tiếp tục được kế thừa, phát huy khi tuổi trẻ cả nước đang náo nức tổ chức Liên hoan tổ, đội tuyên truyền ca khúc cách mạng với các chủ đề “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, “Tự hào Tổ quốc tôi”, “Giai điệu Tổ quốc”... trong những ngày tháng Tám lịch sử này. Hình ảnh những anh Vệ quốc quân hùng dũng ra mặt trận; tinh thần quật cường của những chiến sĩ ôm bom ba càng “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”; khí thế ngút trời của lực lượng công-nông-binh trên tay giương cao cờ búa liềm, cờ đỏ sao vàng trong ngày Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945; đất nước rợp trời cờ hoa hân hoan đón chào Ngày Độc Lập 2-9… được tái hiện sinh động, hào hùng trong những khúc ca “Đoàn Vệ quốc quân” (Phan Huỳnh Điểu); “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi); “Tiến quân ca” (Văn Cao); “19 tháng 8” (Xuân Oanh); “Ba Đình nắng” (nhạc: Bùi Công Kỳ, thơ: Vũ Hoàng Địch)…
Với những người trẻ, có lẽ hiếm loại hình nghệ thuật nào mà lại có tác động nhanh, lan tỏa mạnh, thẩm thấu sâu vào trái tim, khối óc như những ca khúc cách mạng. Bằng những ca từ đã được gọt giũa, trau chuốt kết hợp nhuần nhuyễn vào giai điệu sôi nổi, hào hùng như tiếp thêm sức mạnh tinh thần và nâng đỡ tâm hồn tuổi trẻ hướng tới các giá trị chân-thiện-mỹ. Tại các buổi liên hoan tổ, đội tuyên truyền ca khúc cách mạng, nhìn các bạn trẻ khi thì hò reo phấn khích, lúc lại lắng đọng tâm hồn theo nhịp điệu, tiết tấu của từng bài ca cách mạng, mới cảm nhận hết ý nghĩa của loại hình sinh hoạt chính trị này.
Lâu nay không ít người vẫn thường nghĩ, văn nghệ quần chúng nói chung, liên hoan tổ đội tuyên truyền ca khúc cách mạng nói riêng, chỉ là “phong trào bề nổi”. Thực ra suy nghĩ như vậy chưa thấu đáo. Vì hoạt động văn nghệ đâu đơn giản chỉ có “cờ đèn kèn trống” rầm rộ bên ngoài, mà thông qua chủ đề, nội dung và nhất là cách thức tổ chức bài bản, giàu tính giáo dục và thẩm mỹ, các tiết mục văn nghệ (ca, múa, nhạc…) không chỉ giúp người trong cuộc thăng hoa cảm xúc để biểu diễn phục vụ công chúng có những phút giây khuây khỏa, lắng đọng tâm hồn, mà còn góp phần tạo ra đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh. Trong đó, những khúc ca cách mạng đã góp phần chuyển tải thông điệp tinh tế về tình yêu quê hương đất nước, bồi đắp truyền thống lịch sử cách mạng và gắn kết tình cảm cộng đồng.
Còn nhớ cách đây hơn một năm, khi chủ quyền Biển Đông của Tổ quốc bị đe dọa, nhiều video clip với hàng chục, hàng trăm bạn trẻ mặc áo đỏ in ngôi sao vàng năm cánh trước ngực, cùng đồng thanh hát vang bài ca “Tổ quốc gọi tên mình” (nhạc: Đinh Trung Cẩn, thơ: Nguyễn Phan Quế Mai) xuất hiện trên ti vi và các trang mạng xã hội. Những lời ca: “Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi/ Mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ/ Ngọn đuốc hòa bình, bao người đã ngã/ Máu của người nhuộm mặn sóng Biển Đông/… Tổ quốc linh thiêng, Tổ quốc linh thiêng/ Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa/ Tôi lắng nghe, tôi lắng nghe, tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình”… đã làm rung động hàng triệu trái tim Việt Nam.
Nói thế để thấy, sức mạnh âm nhạc là sức mạnh “từ trái tim đến trái tim”. Khi những lời ca, giai điệu Tổ quốc được cất lên đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm, tác động đến đúng đối tượng, đó là một cách củng cố, bồi đắp tình yêu đất nước cho mỗi công dân Việt nhẹ nhàng nhất, sâu lắng nhất.
THIỆN VĂN