Các tổ chức, cơ quan, đơn vị... thường lập các nhóm kín trên MXH để trao đổi công việc, giao lưu với nhau. Bên cạnh tiện lợi tuyệt vời, những thao tác ngỡ như vô hại ấy, nhiều khi cũng phát sinh những hệ lụy phức tạp.
Câu chuyện vừa xảy ra ở một trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua là một ví dụ!
Chuyện là, vị hiệu trưởng lập nhóm kín trên Zalo để chỉ đạo công việc và ra quy định, khi đăng các thông báo, văn bản lên nhóm, mọi cán bộ, giáo viên đều phải vào thả tim. Ai không làm là vi phạm khuyết điểm, bị trừ điểm thi đua, đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ. Quá bức xúc, nhiều giáo viên đã đồng loạt ký tên vào đơn phản ánh lên cấp trên. Dù sau đó, hiệu trưởng đã lên tiếng giải thích đây chỉ là biện pháp để nhắc nhở giáo viên phải có ý thức, trách nhiệm đọc văn bản, thông báo trên Zalo, nhưng sự việc đã tạo nên những luồng dư luận không hay trong môi trường học đường.
Đặt trong mối quan hệ xã hội nói chung, sự việc trên đây là chuyện nhỏ. Bởi nó chỉ là những vấn đề của cách cư xử, phương pháp trong giải quyết mối quan hệ công tác và cuộc sống nơi công sở.
 |
Văn hóa ứng xử trong môi trường làm việc online đã và đang đặt ra nhiều vấn đề phải suy ngẫm. Ảnh minh họa: TTXVN |
Nhưng từ câu chuyện ấy, nhìn sâu hơn, suy rộng ra thì văn hóa ứng xử trong môi trường làm việc online đã và đang đặt ra nhiều vấn đề phải suy ngẫm.
Ấy là bởi, làm việc online vẫn đang là một khái niệm khá mới mẻ đối với đại bộ phận người dân. Nó chỉ mới được áp dụng rộng rãi trong thời gian gần đây, nhất là trong giai đoạn chúng ta phải căng sức, gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19. Môi trường làm việc trực tuyến, giao dịch điện tử, tận dụng tiện ích của MXH... đã giúp các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân giải quyết hàng loạt vấn đề. Có thể nói, nếu không có những tiện ích tuyệt vời đó, chúng ta sẽ gặp vô vàn khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, duy trì các hoạt động kinh tế-xã hội. Cái mới ấy là thành tựu vượt bậc, hiệu quả tuyệt vời của văn minh!
Nhưng để làm chủ nó, để nó thực sự phục vụ cho mục tiêu tốt đẹp của con người và xã hội thì lại đòi hỏi phải có một tầm văn hóa nhất định. Mà văn hóa thì không thể có ngay một sớm một chiều. Văn hóa hình thành và phát triển theo thói quen hành vi con người và độ lùi của thời gian, độ sâu của tri thức. Hành động nhấn “like” hay “thả tim” chỉ là thao tác kỹ thuật đơn thuần, nhưng thái độ của người nhấn, người thả như thế nào thì đấy lại là câu chuyện của văn hóa.
Trong môi trường ấy, bên cạnh những tiện ích, tiện lợi của sản phẩm văn minh, đã và đang bộc lộ những bất cập, hạn chế về thái độ của người dùng, nói cách khác chính là văn hóa ứng xử, biểu hiện ở cả hai thái cực, cực tả và cực hữu. Không ít người lợi dụng tiện ích công nghệ để thỏa mãn cái tôi cá nhân, lười biếng, ỷ lại, làm việc cầm chừng, qua loa, đại khái, đối phó...
Ở chiều ngược lại, nhiều người lại coi tiện ích như một thứ “bảo bối” để thực hiện ý đồ cá nhân, chủ quan, duy ý chí. Họ coi những thao tác “like”, “thả tim”... như là những bằng chứng không thể chối cãi để bắt bí, áp đặt, thậm chí là thứ vũ khí để hạ bệ lẫn nhau, tranh giành quyền lợi. Sự quá tả và quá hữu ấy đều là những tác nhân gây hại, đi ngược lại mục đích, mục tiêu tận dụng tiện ích văn minh để phục vụ đời sống.
Môi trường làm việc trực tuyến và MXH là xu thế không thể đảo ngược của xã hội văn minh. Suy cho cùng, công nghệ dù có hiện đại đến mấy, tiện ích, tiện lợi có tuyệt vời đến đâu thì nó đều là sản phẩm của con người. Sứ mệnh cao nhất của nó là phục vụ cho cuộc sống con người và sự tiến bộ xã hội. Thế nên, để môi trường ấy thực sự là môi trường văn hóa, mỗi người dùng phải bắt đầu bằng những hành vi văn hóa, mà trước hết là những người có chức, có quyền.
Trước khi “thả tim” hay thả bất cứ biểu tượng cảm xúc gì, nói và viết gì trên MXH, hãy tự thả trước vào tim mình một điều tử tế!
PHAN TÙNG SƠN