Chủ động ứng phó các tình huống dịch bệnh

Trong giai đoạn bình thường mới, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, vui chơi giải trí tại TP Hồ Chí Minh cơ bản đang hồi phục mang lại khí thế mới cho thành phố trong những tháng cuối năm 2021. Thành phố đang có tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 tương đối cao với 7,8 triệu mũi 1 và gần 6 triệu mũi 2 (tính đến ngày 15-11). Phần lớn người dân đã thích ứng an toàn, linh hoạt trong mọi hoạt động.

Tiêm vắc xin cho học sinh từ 15-17 tuổi tại TP Hồ Chí Minh. 

Tuy nhiên, những ngày qua, thành phố ghi nhận số ca mắc Covid-19 (F0) có xu hướng tăng hơn trước đó, tập trung ở một số khu vực như huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Quận 12… Nguyên nhân F0 tăng mạnh do trong điều kiện thành phố mở cửa, việc giao lưu, tiếp xúc nhiều hơn khiến nguy cơ xuất hiện F0 nhiều. Bên cạnh đó, người dân từ các địa phương trở lại thành phố làm việc, trong đó nhiều người chưa được tiêm vắc xin cũng là nguyên nhân khiến F0 tăng cao. Cùng với đó, cần nhìn nhận rằng, một bộ phận người dân thành phố vẫn còn tâm lý chủ quan, có lúc, có nơi còn thiếu tuân thủ quy định phòng dịch nên dẫn đến có địa bàn gia tăng ca F0.

Trước diễn biến mới của dịch, theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thành phố đã lên kế hoạch mở rộng khu cách ly tại các quận huyện, với tinh thần “chuẩn bị trước một bước, trên một mức” để ứng phó tất cả tình huống dịch bệnh. Thành phố hiện có có 16 bệnh viện dã chiến cấp thành phố và dự kiến từ nay đến cuối năm 2021 sẽ thu hẹp dần. Để chăm sóc, điều trị cho F0, Sở Y tế đã đề nghị các quận, huyện thành lập bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện (tương đương với tầng điều trị thứ 2) với mỗi bệnh viện khoảng 300 giường, đáp ứng thu dung, điều trị các F0 có triệu chứng.

Liên đoàn Lao động Quận 12 hỗ trợ đội ngũ y tế tuyến đầu chống dịch. 

Hiện nay, thành phố đã xây dựng 4 kịch bản tương ứng với 4 cấp độ dịch khác nhau, trong đó phối hợp hai hướng điều trị (chăm sóc điều trị F0 tại nhà và tại bệnh viện), sẵn sàng ứng phó khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn thay đổi. Mỗi tuần, các xã, phường, thị trấn thuộc 21 quận, huyện và TP Thủ Đức phải đánh giá cấp độ dịch để có biện pháp ứng phó kịp thời. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố đã yêu cầu các địa phương có phương án huy động sức mạnh các nguồn lực công và tư, tình nguyện, đường dây nóng... Các địa phương cần rà soát, kiểm tra, nắm chắc số lượng F0 đang điều trị tại nhà để quản lý và hỗ trợ.

Từ nay đến cuối năm 2021, nhiều hoạt động tập trung, văn hóa dự kiến được tổ chức tại thành phố, nhất là việc khôi phục các tour tuyến du lịch nội địa, phục vụ ăn uống tại chỗ cũng đặt ra “bài toán” an toàn phòng dịch cho thành phố. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố và các cấp luôn khuyến cáo người dân không được lơ là, chủ quan, kể cả những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, phải luôn chủ động phòng dịch mọi lúc, mọi nơi.

Nâng cao thích ứng theo cấp độ dịch

UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Quyết định 3900/QĐ-UBND về Quy định tạm thời các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với các phụ lục quy định tạm thời về các biện pháp áp dụng theo từng cấp độ dịch đối với hoạt động công sở, vận tải, giáo dục, sản xuất, kinh doanh… Đây là cơ sở quan trọng để từng ngành, địa phương chủ động hơn trong tổ chức phòng dịch ứng với đặc thù cụ thể.

 Các hoạt động đông người tại đường sách TP Hồ Chí Minh bảo đảm giãn cách, yêu cầu phòng dịch.

Thành phố yêu cầu người tham gia các hoạt động phải tiêm ít nhất một mũi vắc xin sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19. Người thuộc diện phải tiêm vắc xin nhưng không thể tiêm do có chống chỉ định phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế về chống chỉ định. Trẻ em chưa đến tuổi tiêm vắc xin khi tham gia các hoạt động phải có người lớn đã tiêm vắc xin đi kèm.

Đối với các hoạt động trong nhà, khi dịch ở địa phương cấp độ 1 không hạn chế số người tham gia, nhưng không vượt quá sức chứa tối đa, bảo đảm giữ khoảng cách từ 1m trở lên, cấp độ 2 số người tập trung tối đa không quá 50% sức chứa tối đa, cấp độ 3 số người tập trung tối đa không quá 25% sức chứa tối đa và cấp độ 4 thì không được hoạt động. Các hoạt động bán hàng rong, vé số dạo, thành phố cho phép hoạt động khi địa bàn đạt cấp độ 1, hoạt động có điều kiện ở cấp độ 2, không hoạt động ở cấp độ 3 và 4.

 Xét nghiệm Covid-19 định kỳ tại Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch và Thương mại TST, quận 3, TP Hồ Chí Minh.

Một vấn đề được người dân thành phố quan tâm là đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: Massage, spa, làm đẹp, quán bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke... được hoạt động tại các phường, xã, thị trấn có dịch ở cấp độ 1 nhưng phải bảo đảm Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Các loại hình này ở địa phương cấp độ 2 hoạt động hạn chế chỉ tối đa 50% công suất tại cùng một thời điểm và ở cấp độ 4 phải ngừng hoạt động.

Hiện nay, kết quả đánh giá cấp độ dịch của toàn thành phố trong tuần qua đang ở cấp độ 2. Với cấp quận, huyện thì có 10 địa phương ở cấp độ 1, 11 địa phương cấp độ 2, riêng huyện Cần Giờ đang ở cấp độ 3. Đối với cấp phường, xã, thị trấn hiện có 161/312 địa phương ở cấp độ 1, 146 địa phương ở cấp độ 2 vầ 5 địa phương cấp độ 3.

Củng cố trụ cột y tế

Để thích ứng linh hoạt, TP Hồ Chí Minh vẫn đang kiên trì và không ngừng củng cố trụ cột y tế. Sở Y tế Thành phố chú trọng tổ chức lại các Trạm Y tế lưu động ở cấp phường, xã, thị trấn tại khu vực có số F0 tăng cao. Trước mắt, ngành y tế đã tổ chức tăng cường 70 trạm y tế lưu động ở các quận, huyện có diễn biến dịch phức tạp. Tùy theo diễn biến dịch, ngành Y tế Thành phố sẽ duy trì hoặc thành lập mới các Trạm Y tế lưu động ở cơ sở bằng nhân lực y tế của thành phố, theo cơ cấu mỗi trạm 1 bác sĩ, 1-2 điều dưỡng và tình nguyện viên nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các F0 cách ly, điều trị tại nhà. 

 Y bác sĩ Trạm Y tế lưu động phường 6, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh thăm khám F0 điều trị tại nhà.

Hiện nay, các địa phương đang phát huy phương châm 5 tại chỗ, đó là lực lượng tại chỗ, vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và phương tiện tại chỗ. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) đã thành lập đội đặc nhiệm kiểm dịch phòng, chống dịch Covid-19, là cầu nối giữa HCDC và quận, huyện, phường, xã, thị trấn để phối hợp khống chế các ổ dịch. Ngành y tế phát hành tờ rơi “Những điều cần biết cho F0 cách ly tại nhà”, Hội Thầy thuốc trẻ Thành phố kích hoạt lại mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” góp phần nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở…

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có khoảng 73% số ca F0 đang điều trị tại nhà. Cùng với trạm y tế lưu động, các đội hình tư vấn chăm sóc F0 từ xa cần được khôi phục lại với mục tiêu là phải kiềm giữ, không để F0 tăng lên quá cao và không để rơi vào tình huống bị động bất ngờ.

Bài, ảnh: HỒNG GIANG