Điều đáng mừng là nhận thức của người tiêu dùng đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Theo các nhà sản xuất, thương hiệu hàng Việt đang dần “chinh phục” người tiêu dùng từ thành thị tới nông thôn bằng cả chất lượng và giá thành. Đây là tín hiệu tốt của thị trường trong nước, bởi sau một thời gian dài nhiều người dân có xu hướng “sính ngoại” thì nay nhiều người đặt niềm tin vào hàng Việt Nam. Đó cũng là thành quả đạt được của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong nước, đưa hàng Việt vào các siêu thị, các khu chợ ở thành thị và về nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Điều này cũng ghi nhận sự nỗ lực, vươn lên của các doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện sản phẩm của họ phải cạnh tranh khốc liệt với các mặt hàng ngoại nhập. Nhiều doanh nghiệp nội mạnh dạn đầu tư công nghệ, sử dụng nguyên vật liệu đầu vào do Việt Nam sản xuất để vừa giảm giá thành, vừa hỗ trợ sản xuất trong nước.
Dịp Tết là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm. Vì vậy, để hàng Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, đòi hỏi sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Theo đó, ưu tiên hàng đầu là chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cho các mặt hàng phục vụ Tết. Trên thực tế, người tiêu dùng luôn phải đối mặt với nỗi lo về các loại thực phẩm “bẩn” và hàng hóa không bảo đảm chất lượng, vệ sinh ATTP. Bởi vậy, ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân. Các doanh nghiệp sản xuất cũng như phân phối trong nước cần phải hiểu rằng, dịp Tết Nguyên đán là cơ hội để xây dựng thương hiệu của mình, nếu như họ đưa ra các mặt hàng chất lượng, giá thành cạnh tranh và phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của người dân. Còn nếu đưa ra thị trường các mặt hàng chất lượng kém, giá cả đắt đỏ, thì không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nội, mà còn làm cho người tiêu dùng quay lưng với hàng Việt.
Trước tình trạng hàng Việt Nam ngày càng được tin dùng, nhiều hàng hóa ngoại đã dán mác hàng Việt, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối cần đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển thương hiệu, đăng ký nhãn mác, quảng bá giới thiệu sản phẩm tốt giúp người tiêu dùng nhận biết rõ đâu là hàng thật, đâu là hàng giả để có sự phân biệt và lựa chọn. Mỗi người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức về vệ sinh ATTP, nên tìm mua sản phẩm Việt Nam ở những địa chỉ rõ ràng và có thương hiệu, tránh hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.
Tết đến, Xuân về, thiết nghĩ người tiêu dùng Việt Nam hãy ủng hộ cho hàng Việt. Tết dùng hàng Việt, quanh năm dùng hàng Việt nhiều hơn, đó là góp phần thúc đẩy nền kinh tế nước nhà phát triển.
MINH NGÂN