Anh bạn tôi có lẽ không phải là trường hợp cá biệt trên đất nước mình. Chỉ cần theo dõi thông tin thời sự trong suốt những ngày gần đây có thể thấy dày đặc tin tức về việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước, rồi lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đi thăm, chúc Tết các địa phương, đơn vị, các cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, đối tượng chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang... Lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân đón Tết đã được cung ứng kịp thời tới các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ, thiên tai, gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Tinh thần chỉ đạo được đề ra là: Không để một người dân nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không có Tết.
Hiếm có ở quốc gia nào mà gia đình của những người đang làm việc, công tác xa nhà được đại diện các chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị qua thăm nom, động viên như ở Việt Nam. Các cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở nơi biển đảo, hay nơi biên cương, hãy yên tâm nhé, hãy nắm chắc tay súng để bảo vệ Tổ quốc. Nơi quê hương, gia đình của các anh luôn được chăm sóc chu đáo. Tết đến, Xuân về, dù các anh ở xa, nhưng gia đình của các anh vẫn thắm đỏ sắc hoa đào, vẫn đầy đủ dưa hành, bánh trưng xanh và luôn ấm áp tình người.
Tinh thần sẻ chia, đùm bọc là một giá trị văn hóa của người Việt Nam. Tinh thần ấy được thể hiện rõ khi Tết đến, Xuân về. Người Việt Nam dường như không thể yên tâm hưởng cuộc sống hạnh phúc nếu như nhìn xung quanh mình vẫn còn thấy những người đói khổ. Người Việt Nam sống giàu tình cảm. Chính tình cảm là sợi dây bền chặt, cố kết dân tộc Việt Nam. Đó là tình cảm ruột thịt, tình cảm hàng xóm, láng giềng, tình cảm quê hương, tình cảm đồng nghiệp, đồng chí... và mở rộng ra là tình cảm giữa những người trong cùng một quốc gia, một dân tộc. Truyền thuyết Lạc Long Quân-Âu Cơ kể rằng, dân tộc Việt Nam ta được ra đời từ một cái bọc trăm trứng. Vì thế, ở khắp nơi trên thế giới này, ở đâu có người Việt Nam, là ở đó, chúng ta có đồng bào. Hai tiếng “đồng bào” thật thân thương. Đã là đồng bào thì phải luôn sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau, “lá lành đùm lá rách”. Và cũng vì thế, dù có đi đâu, khắp năm châu bốn bể, người Việt Nam vẫn đau đáu nỗi nhớ quê, ngày Tết chỉ muốn được sum họp ở nơi quê cha, đất tổ. Đối với người Việt Nam, Tết không chỉ là kỳ nghỉ lễ, mà đó còn là dịp để giáo dục truyền thống gia đình, họ tộc, dân tộc.
Tôi có một người em, đúng ngày 23 tháng Chạp vừa qua, khi các gia đình cúng Táo Quân chầu trời, em phải xách vali lên đường sang Pháp làm việc. Nhìn dòng bà con Việt Nam hồ hởi từ khắp nơi trên thế giới ùn ùn kéo về quê ăn Tết tắc nghẽn cả sân bay, em tôi không khỏi chạnh lòng, ứa nước mắt.
Ấy thế mà, trong vài năm trở lại đây, có những gia đình trẻ cứ đúng ngày Tết lại đi du lịch trong và ngoài nước cả tuần trời, bỏ nhà, bỏ cửa, bàn thờ, bát hương lạnh lẽo, chẳng cần biết đến họ hàng, hàng xóm, láng giềng. Họ lý luận rằng, cả năm vất vả rồi, Tết phải được vui chơi, thư giãn. Thôi thì, mỗi người có cách nghĩ của mình, có cuộc sống riêng của mình. Nhưng chỉ xin nhớ rằng, dân tộc ta, trong đó có mỗi gia đình, họ tộc, sở dĩ vượt qua bao thử thách, sóng gió, thiên tai, địch họa, tồn tại và phát triển hàng nghìn năm qua trên đất nước này, đó là nhờ sự gắn kết, sẻ chia. Sự gắn kết, sẻ chia đã góp phần tạo nên sức mạnh bất diệt của người Việt Nam.
Đất nước hình chữ S lại bước vào một mùa xuân mới-Xuân Đinh Dậu 2017. Hàng triệu niềm vui của mỗi gia đình cộng hưởng lại thành niềm vui chung của cả đất nước trong Xuân mới đang về.
HỒ QUANG PHƯƠNG