Cả nhà tôi ai cũng ấn tượng với hình ảnh “Tết đẹp” được mẹ nhắc đến. Từ “Tết no”, “Tết ấm”, đến thời đại ngày nay là “Tết đẹp”, sự phát triển đi lên nhanh chóng ấy đã phản ánh khái quát diện mạo đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của hầu khắp các vùng, miền trên cả nước.

Nghe mẹ nói chuyện “Tết đẹp”, tôi lại nhớ những cái Tết ngày xưa. Cũng chỉ mới chục năm chứ mấy. Quê tôi ở vùng trung du, huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh). Mỗi lần về quê ăn Tết, ngoài chuyện vất vả tàu xe, cơ cực nhất là quãng đường gần chục cây số từ bến xe huyện về nhà. Những cơn mưa dầm dề kéo dài hàng tháng làm cho đường làng, ngõ xóm biến thành những thửa ruộng lầy. Xắn quần cuốc bộ trên những cung đường lầy lội, trơn trượt trong tiết trời giá buốt là thử thách không dễ dàng vượt qua đối với lớp trẻ sinh ra và lớn lên ở thành phố. 

Ảnh minh họa / VnExpress.

Nhưng đó là câu chuyện đã qua. Hành trình xây dựng nông thôn mới với tốc độ bê tông hóa diễn ra nhanh chóng đã làm thay đổi diện mạo làng quê. Đường bê tông khang trang, rộng rãi dẫn về tận ngõ. Các thiết chế văn hóa như: Đèn chiếu sáng, biển báo giao thông, cây xanh, bồn hoa… làm cho bức tranh thôn quê chẳng khác gì đô thị. Con cháu muôn phương tìm về quê cha đất tổ sum họp ngày xuân thoải mái chưng diện những bộ trang phục thời trang tham gia các hoạt động vui chơi giải trí theo phong cách hiện đại, dịch vụ cung cấp hàng Tết phục vụ tận nhà. Hạ tầng khang trang, xóm làng mở hội. Tết đẹp rực rỡ sắc màu, rộn rã âm thanh. Hiện thực ấy, thời mẹ tôi còn trẻ có nằm mơ cũng chả thấy!

Truyền thống văn hóa phong tục lâu đời của người dân các vùng, miền trên cả nước thể hiện đầy đủ, sâu sắc nhất trong những ngày Tết. Đó cũng là bức tranh phản ánh sinh động hiện thực đời sống nhân dân. Cái đẹp của văn hóa vật thể, nhất là hạ tầng giao thông, phương tiện kỹ thuật, công nghệ… đã đưa văn minh các vùng, miền vươn lên một tầm cao mới. Những câu chào hỏi truyền thống, kiểu như: “Ăn Tết to không?” dần được thay thế bằng ngôn ngữ hiện đại: “Tết này chơi gì, chơi ở đâu?”. Chuyện ăn không còn quan trọng nữa, nhu cầu con người trong dịp Tết nâng tầm lên vui chơi, giải trí. Đó là điều rất đáng mừng, rất đáng tự hào đối với sự phát triển nhanh chóng của đất nước.

Không ít người bày tỏ lo ngại, phàn nàn rằng, Tết ngày xưa vất vả, khó khăn nhưng ấm áp tình cảm. Tết bây giờ đầy đủ vật chất nhưng tình nghĩa không còn khăng khít? Nói thế quả có phần cực đoan. Thực chất, cái tình, cái nghĩa nói riêng, văn hóa phong tục nói chung đã có sự thay đổi, biến thể rất căn bản về cái “vỏ” bề ngoài. Thay vì cả nhà xúm xít thái thịt, gói bánh, luộc giò… bây giờ người ta dành thời gian ấy để vui chơi, hưởng thụ. Mọi thứ đã có dịch vụ lo hết. Hình thức ăn Tết, chơi Tết tất yếu phải thay đổi vì sự can thiệp toàn diện, sâu sắc của thành tựu văn minh công nghiệp, nhưng bản chất, tức là cái “lõi” của văn hóa phong tục thì vẫn thế. Mâm cỗ ngày Tết miền Bắc vẫn phải là “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”; miền Nam nhất định có “Cầu sung vừa đủ xài” (mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài). Con cháu vẫn luôn nhớ “Mồng Một Tết cha, Mồng Hai Tết mẹ, Mồng Ba Tết thầy”…

Để có Tết đẹp đúng nghĩa, cái cần làm chính là củng cố thật vững cái “lõi” ấy, chứ không phải bắt thế hệ trẻ phải làm cái “vỏ” giống như ông bà mình.

Nội việc con cháu đi đâu, làm gì, ngày Tết cũng có nhu cầu tối thượng, đó là về sum họp gia đình, tri ân tiên tổ, đã cho thấy cái đẹp của Tết giá trị và thiêng liêng đến mức nào.

THANH KIM TÙNG