leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa/Báo tin tức.
Có thể nói, hoạt động chăm lo dịp Tết nêu trên là sự nỗ lực, quan tâm rất lớn của chính quyền thành phố từ nhiều năm qua đối với ĐTCS, NCC, hộ nghèo. Mỗi năm TP Hồ Chí Minh đều có sự đổi mới, quan tâm hơn đến các đối tượng trong dịp Tết, biến thời gian này thành "Tết chăm lo, Tết yêu thương" trong suy nghĩ của người dân. Với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố, đã đưa hoạt động này trở thành phong trào thi đua, với nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa của các cấp, các ngành. Trong năm 2016, hoạt động này tạo thêm một bước mới sau khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đã xác định hoạt động chăm lo cho ĐTCS, NCC trở thành một trong những mục tiêu chung là xây dựng thành phố có "môi trường sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình". 

Dịp Tết Nguyên đán là thời gian ý nghĩa để các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, các đoàn thể và tổ chức chính trị, xã hội chăm lo, quan tâm đến ĐTCS, NCC và các gia đình khó khăn. Trên thực tế, nếu như mỗi một gia đình có điều kiện đóng góp một chiếc bánh chưng, một ki-lô-gam gạo nếp, một hộp bánh, hay một cân thịt; mỗi nhà hảo tâm hỗ trợ vài triệu đồng, thì chúng ta sẽ có điều kiện chăm lo Tết cho người nghèo, ĐTCS, NCC. Vừa qua, ở các địa phương như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... đã có kế hoạch tổ chức vui Xuân, đón Tết cho học sinh-sinh viên, công nhân không có điều kiện về thăm gia đình dịp Tết Đinh Dậu với nhiều hình thức phong phú, tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách. Việc làm này đã động viên, chia sẻ và tạo niềm vui rất lớn cho các đối tượng, tạo ra một "Tết chăm lo, Tết yêu thương" đầy đặn trong tâm trí của mọi người.

Trong dịp Tết này, chúng ta cũng cần phê phán sự vô cảm, sống chỉ biết mình, những chi tiêu tốn kém, vô bổ của một số đối tượng trước những khó khăn, thiếu thốn của nhiều gia đình nghèo. Với truyền thống của người Việt Nam là "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", "lá lành đùm lá rách", nếu chúng ta biết quan tâm, chia sẻ với cộng đồng, thì một chiếc bánh chưng, một cân giò, một đĩa thịt... trên mâm cơm của người nghèo dịp Tết, sẽ là một hương vị xuân đầy ý nghĩa đối với họ. Chúng ta cũng cần nhận thức một cách sâu sắc rằng: Để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay, có sự hy sinh rất lớn của các chiến sĩ cách mạng, của các gia đình chính sách. Mọi người phải có trách nhiệm chăm lo, chia sẻ, bù đắp sự hy sinh, cống hiến đó trong các dịp lễ, Tết cho ĐTCS, NCC. Đó là đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". 

Hy vọng những việc làm chăm lo ĐTCS, NCC và hộ nghèo ở TP Hồ Chí Minh trong dịp Tết Nguyên đán, sẽ được nhân lên trên các địa phương của cả nước. Chăm lo Tết cho các đối tượng không chỉ về vật chất, mà rất cần sự động viên, chia sẻ sâu sắc về tinh thần. Nó sẽ tạo ra một mùa xuân đầy ắp hạnh phúc, tình người, ấm no trên mọi miền đất nước. Đó mới đúng với tinh thần "Tết chăm lo, Tết yêu thương".

ĐẶNG TRUNG KIÊN