Tại buổi gặp mặt, ban tổ chức trao giấy chứng nhận tốt nghiệp lớp nhận thức về Đảng cho gần 100 ĐVTN. Đây là sáng kiến của Ban CHQS huyện. Sau khi hoàn thành các bước khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự, Ban CHQS huyện tham mưu cho Thường vụ Huyện ủy, sau đó phối hợp với Ban Tổ chức Huyện ủy, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện rà soát, lựa chọn những ĐVTN ưu tú, có đủ tiêu chuẩn tổ chức bồi dưỡng kiến thức về Đảng, tạo điều kiện cho các em khi về đơn vị tiếp tục rèn luyện, phấn đấu để được chính thức đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Không chỉ huyện Lục Ngạn mà nhiều địa phương trên cả nước cũng có những cách làm tương tự. Đơn cử như tỉnh Hưng Yên, năm nay có gần 56% số công dân nhập ngũ được bồi dưỡng kiến thức về Đảng. Ở một số tỉnh khác, tỷ lệ này cũng khá cao. Có thể nói, việc tạo nguồn, phát triển đảng viên trong thanh niên nhập ngũ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tuyển quân, đồng thời giúp địa phương tạo nguồn cán bộ cơ sở, nâng cao chất lượng lực lượng dự bị động viên sau này. Ngoài ra, việc bồi dưỡng kiến thức về Đảng cho ĐVTN ưu tú trước khi nhập ngũ giúp các đơn vị huấn luyện, nhận quân sau này dễ dàng hơn trong phân loại, tiếp tục bồi dưỡng, phát triển đảng viên cho chiến sĩ mới theo kế hoạch.
 |
Ảnh minh họa / qdnd.vn |
Thực tế, hiệu quả từ cách làm này là rất đáng ghi nhận. Qua việc các địa phương triển khai cách làm trên từ nhiều năm, có thể thấy, hầu hết ĐVTN sau khi được bồi dưỡng kiến thức về Đảng khi nhập ngũ, được biên chế vào các đơn vị đều phát huy phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động của đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều đồng chí sau đó vinh dự trở thành đảng viên từ khi còn là chiến sĩ. Sau này, khi hết thời gian quân ngũ, những đảng viên trẻ này đều tiếp tục phát huy tốt vai trò của mình, có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng tổ chức đảng ở địa phương, xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, cách làm này nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ, nhất là khâu rà soát, tuyển chọn, sẽ dễ phát sinh tiêu cực. Vì bệnh “thành tích”, sẽ không tránh khỏi hiện tượng một số địa phương tuyển chọn ồ ạt ĐVTN tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức về Đảng mà không thực sự chú trọng đến chất lượng. Hoặc, vì nể nang, mối quan hệ riêng tư mà tuyển chọn cả ĐVTN chưa thực sự tiêu biểu, cần phải phấn đấu để bồi dưỡng, tạo nguồn. Cách làm dễ dãi ấy khiến nguồn đầu vào của Đảng bị suy yếu, kém chất lượng, đồng thời, tạo ra sự xem nhẹ, thiếu trân trọng của ĐVTN đối với tổ chức đảng. Ngoài ra, còn khiến những trường hợp không được tuyển chọn bồi dưỡng nảy sinh tư tưởng bất mãn, tiêu cực, thiếu niềm tin vào tổ chức, không còn mong muốn tiếp tục rèn luyện, phấn đấu vào Đảng.
Việc chủ động phát hiện, tổ chức bồi dưỡng, tạo nguồn đảng viên trong thanh niên nhập ngũ là cách làm hay, cần được nghiên cứu, triển khai nhân rộng. Song, để bảo đảm chất lượng, thiết nghĩ, các địa phương cần có sự quản lý, giám sát chặt chẽ ở tất cả các khâu. Công tác rà soát, tuyển chọn phải chặt chẽ, việc học tập, bồi dưỡng phải được tổ chức nghiêm túc, chất lượng. Như vậy, sẽ giúp những ĐVTN ưu tú thực sự trưởng thành, trở thành những người trẻ tiêu biểu, xung kích trong mọi hoạt động của đơn vị. Khi được bồi dưỡng, giúp đỡ, các em sẽ thực sự xứng đáng để đứng vào hàng ngũ của Đảng và phát huy tốt phẩm chất của người đảng viên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
VĂN CHIỂN