Tâm lý muốn trở thành nghèo đang là nghịch lý diễn ra ở một số địa phương thuộc vùng cao, miền núi nước ta. Không chỉ có các xã, các thôn phấn đấu thành địa phương nghèo mà ngay trong từng thôn, bản cũng có không ít gia đình muốn trở thành hộ nghèo để được hưởng các chính sách an sinh xã hội. Có gia đình tách riêng hộ khẩu cha mẹ già ra để được hưởng chính sách của hộ nghèo cho bố mẹ mình. Có chủ hộ của gia đình nghèo dùng tiền trợ cấp của các nhà hảo tâm đi mua rượu uống...
“Xóa đói giảm nghèo” là một trong những thành tựu lớn nhất của Việt Nam những năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Chúng ta đã xóa được đói và đang giảm dần số hộ nghèo. Đây cũng là nét ưu việt thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ chúng ta. Tuy nhiên, cũng do chúng ta có nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo, giúp đỡ người nghèo, dẫn đến khó kiểm soát. Thực tế, một hộ nghèo, một xã nghèo đang cùng lúc được hưởng rất nhiều chính sách như: Miễn giảm học phí, hỗ trợ nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ bảo hiểm y tế… đã dẫn đến tình trạng trùng lắp các chính sách, phân tán nguồn lực, chi phí cho các khâu trung gian tăng lên, không hướng đúng vào mục tiêu giảm nghèo. Chính sách chỉ tác động tới trạng thái tĩnh, mà không nhìn thấy hướng phát triển, dẫn đến nhiều chính sách cho không, nhiều chính sách không gắn với điều kiện, dẫn đến tình trạng người dân không muốn thoát nghèo, địa phương cũng không muốn thoát nghèo. Tiêu chí của hộ nghèo, thôn nghèo, xã nghèo đã có nhưng có những tiêu chí rất chung chung, chưa thật phù hợp với từng địa phương, do đó các địa phương có thể vận dụng theo các cách khác nhau, dẫn tới tình trạng “chạy” thôn nghèo, xã nghèo, hộ nghèo... Cán bộ ở một số thôn, bản cũng đau đầu khi bình xét hộ nghèo trong thôn, bản của mình vì nhu cầu của mọi người thì nhiều, phần trăm hộ nghèo theo quy định của cấp trên lại ít. Đã có trường hợp bình xét bằng bỏ phiếu kín và hộ gia đình khá hơn nhưng có đông bà con thân thuộc ủng hộ thì trở thành hộ nghèo...
Người dân chăm sóc vườn đào tại Ba Bể. Ảnh minh họa: TTXVN.
Để xóa bỏ nghịch lý thích nghèo, phải cần đến các giải pháp đồng bộ và quyết liệt để tạo động lực cho người nghèo vươn lên. Trước hết, cần xem xét lại tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo, địa phương nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Danh sách những hộ nghèo, địa phương nghèo phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thẩm tra thật kỹ và niêm yết công khai để người dân có thể giám sát, cho ý kiến. Chương trình mục tiêu quốc gia “Giảm nghèo bền vững” cần được lồng ghép nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia khác và được kiểm soát thật chặt chẽ để tránh trùng lắp. Thay bằng các chính sách cho không, cần khuyến khích các giải pháp giúp người nghèo, địa phương nghèo vươn lên bằng nội lực của mình; thay bằng “cho cá”, hãy cho họ “cần câu” và hướng dẫn cách câu để họ có thể chủ động “câu được cá”. Mặt khác, rất cần tăng cường công tác giáo dục, thuyết phục người dân để khơi dậy tinh thần tự trọng, xóa bỏ tâm lý thích nghèo.
Trước mắt, cần hoàn thiện sớm khung khổ pháp lý liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia “Giảm nghèo bền vững” như tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020; tiêu chí huyện nghèo áp dụng trong giai đoạn 2017-2020...
Tạo động lực cho người nghèo vươn lên thoát nghèo là tình cảm, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang và toàn xã hội.
ĐỖ PHÚ THỌ