Hàng loạt vụ ngộ độc rượu xảy ra những ngày qua khiến cho không ít người đang thường ngày “kết bạn” với rượu phải giật mình khi nghĩ rằng: Mình là người may mắn không uống phải những loại rượu giả, hoặc cồn công nghiệp (methanol) được pha chế như những người nhập viện không may uống phải kia. Hóa ra, nhiều loại rượu đang bày bán, quảng cáo tại các cửa hàng, quán ăn, quán nhậu không hẳn đã là rượu thật, mà là hóa chất độc hại pha chế để thỏa mãn cơn nghiện rượu cho các đệ tử “ma men”. Và, các cơ quan chức năng thường ngày đang được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng rượu cũng chợt nhận ra rằng: “Lỗ hổng” về quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bày bán các loại rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn rất lớn.
Ngộ độc rượu đã trở thành vấn nạn từ nhiều năm nay nhưng phương thuốc “đặc trị” căn bệnh này vẫn chưa phát huy được tác dụng, cho dù Nhà nước, các bộ, ngành chức năng đã ban hành rất nhiều văn bản quy định về kinh doanh, buôn bán các mặt hàng rượu cũng như cấm kinh doanh các sản phẩm rượu không dán tem, không có đầy đủ nhãn mác, không có nguồn gốc, xuất xứ dưới mọi hình thức. Nguyên nhân khiến cho tình trạng kinh doanh các loại rượu giả, có hóa chất độc hại, không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay trước tiên xuất phát từ những người sử dụng rượu thiếu hiểu biết, chọn lựa các sản phẩm rượu không an toàn. Mặt khác, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm rượu hiện nay cũng mới chỉ tập trung đến các loại rượu ngoại nhập lậu, không rõ nguồn gốc mà vô tình “quên mất” thực trạng sản xuất rượu thủ công tràn lan ở các vùng thôn quê hiện nay. Và đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rượu “bẩn” được sản xuất từ cồn công nghiệp, rượu không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tràn ngập trên thị trường.
Vì thế, để kiểm soát chặt các loại rượu tự người dân pha chế, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cơ quan chức năng cần phải mạnh tay hơn nữa trong xử lý, kiểm soát, nhất là các cơ sở chế biến, sản xuất rượu sử dụng nguyên liệu và men nấu rượu bằng phương pháp thủ công. Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp cũng cần tích cực hơn nữa trong phối hợp để nắm rõ thực trạng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, ngăn chặn kịp thời và tận gốc tình trạng pha chế, sản xuất rượu từ cồn công nghiệp hoặc hóa chất độc hại. Việc chấn chỉnh thái độ, trách nhiệm, tác phong công tác đối với đội ngũ làm công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng rượu; tăng mức phạt hành chính, bổ sung chế tài đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực rượu cũng sẽ góp phần hạn chế tình trạng sản xuất, tiêu thụ tràn lan rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường hiện nay.
Uống rượu và sử dụng rượu đã trở thành thói quen trong sinh hoạt ẩm thực của người Việt. Và không chỉ ở nước ta, nhiều quốc gia từ ngàn xưa đã sử dụng rượu để làm thành các bài thuốc chữa bệnh. Song, để rượu thực sự là một thứ hương vị, tăng thêm niềm vui, cảm hứng cho mỗi bừa ăn; “hóa giải” những phiền muộn, chế ngự những lo âu… thì người sử dụng rượu phải biết lựa chọn những sản phẩm rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nếu để rượu chế ngự mình, lạm dụng rượu trong những dịp gia đình, thôn, xóm có giỗ, chạp, hay có các sự kiện lớn thì chắc chắn đi kèm các cuộc rượu sẽ là những bi kịch, và khi đó, cuộc vui sẽ biến thành tai họa không thể lường hết.
HOÀNG GIA MINH