Dân gian xưa đã tôn vinh rằng “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”, ''Bắc Hà-Hành Thiện, Hoan Diễn-Quỳnh Đôi". Làng Cổ Am là quê hương của cụ Trạng Trình-Nguyễn Bỉnh Khiêm và rất nhiều bậc khoa bảng đỗ đạt cao ở mọi thời đại. Làng Hành Thiện là quê hương của Tổng Bí thư Trường Chinh. Ngay từ thời Nho học, làng Hành Thiện đã có 419 người đỗ đạt, trong đó có 3 tiến sĩ, 4 phó bảng, 97 cử nhân, 315 tú tài. Thời Pháp thuộc, làng có 51 người đỗ đạt từ tú tài đến cử nhân. Làng Quỳnh Đôi tính từ khi bỏ thi chữ Nho (năm 1918) trở về trước có 707 người đỗ từ đầu xứ đến tam giáp, nhị giáp, trong đó có 13 giải nguyên, 4 phó bảng, 6 tiến sĩ, 2 hoàng giáp, 1 thám hoa, 1 bảng nhãn, tiêu biểu là các cụ: Hồ Sĩ Dương, Hồ Phi Tích, Hồ Sĩ Đống, Dương Cát Phủ... Từ năm 1945 đến nay, ba ngôi làng trên vẫn là kết tinh của truyền thống hiếu học và đều là những cái nôi của cách mạng với nhiều Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân, viện sĩ, giáo sư, phó giáo sư, hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ và hàng nghìn cử nhân…
 |
Đình Phần- công trình kiến trúc cổ của Cổ Am. Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử TP Hải Phòng.
|
Có thể nói, những cái tên: Cổ Am, Hành Thiện, Quỳnh Đôi và nhiều địa danh mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa khác là tài sản quý giá của quốc gia, được xây dựng bằng mồ hôi, trí tuệ và cả xương máu của bao thế hệ. Nghe đến những tên gọi ấy, trong lòng người dân địa phương trào dâng niềm tự hào, còn người ở nơi khác thì đầy ngưỡng mộ. Tại những miền quê ấy có một nguồn năng lượng bất tận được chảy truyền từ đời này qua đời khác, đó là ý chí vươn lên vượt qua nghèo khó, vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên, tu chí học hành để đỗ đạt, thành đạt, ra giúp nước, giúp đời, làm rạng danh quê hương, dòng họ. Mỗi khi được về những vùng quê nổi tiếng ấy, được tham quan các di tích lịch sử, được đọc những dòng chữ khắc sâu trên các tấm bia đá ghi lại công trạng của các bậc tiền nhân, các nhà cách mạng, mỗi người thuộc thế hệ sau đều trào dâng tình cảm yêu quê hương, yêu Tổ quốc và thấy được trách nhiệm nỗ lực phấn đấu vươn lên của mình.
Vì thế, việc gìn giữ và phát huy truyền thống của các vùng quê nổi tiếng văn hóa và cách mạng có một ý nghĩa lớn lao đối với cuộc sống hôm nay. Đó không chỉ là gìn giữ cho các vùng đất ấy mà còn là gìn giữ cho quốc gia. Đó không chỉ là gìn giữ cho hiện tại mà còn là gìn giữ tài sản vô giá cho tương lai. Do đó, trong khi thực thi các chính sách, những người có trách nhiệm cần đặc biệt lưu ý đến các địa danh văn hóa, cách mạng, cần đặc biệt trân trọng và gìn giữ. Những thế hệ hôm nay trên các miền quê nổi tiếng ấy cũng cần luôn nỗ lực vươn lên, tiếp nối truyền thống cha ông, để những giá trị của quê hương không chỉ là giá trị của lịch sử mà còn lan tỏa ở hiện tại và đến tương lai, trở thành nguồn sức mạnh vượt qua khó khăn, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng, vào sự phát triển bền vững của đất nước.
HỒ QUANG PHƯƠNG