Đầu năm học 2021-2022, cả nước có 26/63 tỉnh, thành phố phải tổ chức dạy và học trực tuyến. Có thể một số địa phương chỉ dạy và học trực tuyến ở một số vùng, nhưng giáo viên, học sinh sẽ phải có internet, có máy tính để dạy và học. Theo thống kê của ngành giáo dục, hiện có khoảng 1,5 triệu học sinh đang thiếu thiết bị để học trực tuyến. Đây là nỗi lo, là điều trăn trở của nhiều gia đình học sinh cũng như của toàn xã hội.
 |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Ảnh: TTXVN |
Sinh thời, Bác Hồ luôn mong muốn là “Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Hơn 76 năm qua, kể từ ngày thành lập nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi trọng công tác giáo dục, đào tạo. Các thế hệ học sinh ở khắp mọi miền đất nước cũng đều muốn đến trường để được học thầy, hỏi bạn, để được khôn lớn, trưởng thành. Nhưng hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm nhiều thầy, cô giáo phải giảng bài thông qua công nghệ thông tin, hàng triệu em học sinh phải học trực tuyến. Dịch bệnh đã lấy đi ý nghĩa cắp sách đến trường của các em. Học sinh không được nghe tiếng trống trường, không được giao lưu với thầy cô, bạn bè là một sự thiệt thòi lớn. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cũng như quá trình phát triển của các em.
Chúng ta từng biết đến những gia đình nghèo, các con phải dùng chung chiếc điện thoại thông minh đã cũ để thay phiên nhau học trực tuyến. Nhiều em học sinh ở vùng sâu, vùng xa phải dựng lán trên đỉnh đồi để có sóng học tập. Nhiều gia đình không có tiền để mua máy tính, điện thoại, hay đóng cước internet cho con học hành...
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” không chỉ kêu gọi sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm mua máy tính mới tặng học sinh nghèo vùng dịch hay ở vùng sâu, vùng xa mà còn mong muốn tất cả chúng ta cùng chia sẻ với ngành sư phạm, với các em học sinh trong năm học đặc biệt này. Một chiếc máy tính bảng hay một chiếc điện thoại thông minh đã cũ không dùng đến, nhưng khi tặng học sinh nghèo vùng dịch sử dụng sẽ giúp các em được học tập trong những ngày giãn cách. Từ đó giúp các em tiếp thu được kiến thức, nuôi lớn tâm hồn và vun đắp ước mơ để trở thành những công dân có ích cho xã hội sau này.
Có máy tính cho học sinh, nhưng cũng phải có internet để học tập. Thế hệ tương lai của đất nước rất cần được miễn cước phí khi dùng mạng, được hướng dẫn bảo đảm an ninh, an toàn trong dạy và học trực tuyến. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” có thể chỉ mang tính tạm thời, nhưng lại mang ý nghĩa nhân văn rất lớn. Nó cũng tạo cú huých chuyển đổi số, tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh tiếp cận với công nghệ hiện đại để phát triển sau này.
Hạnh phúc là cho đi. “Sóng và máy tính cho em” cũng chính là đầu tư cho tương lai của đất nước. Mong rằng điều này sẽ đến sớm với các trường học và học sinh khó khăn. Dù một ngày không xa chúng ta sẽ khống chế được dịch bệnh, các em học sinh được tung tăng cắp sách tới trường, nhưng những gì mà xã hội dành cho các chủ nhân tương lai của đất nước sẽ còn mãi.
LÊ PHI HÙNG