Vào mùa nước nổi, người dân sông nước miệt vườn được thiên nhiên ưu đãi nguồn lợi thủy sản phong phú từ thượng nguồn sông Mê Công tràn về. Cùng với đó là lượng phù sa màu mỡ bồi đắp cho ruộng đồng châu thổ thêm tốt tươi, đón những mùa vàng bội thu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) gay gắt, liên tục những năm gần đây, vùng đất này phải đối mặt với hạn hán, xâm thực mặn trên diện rộng. Năm nay, dù đã sắp qua kỳ cao điểm mùa mưa, dù tình trạng dông lốc, lũ quét, ngập lụt xảy ra cục bộ ở nhiều nơi, nhưng ĐBSCL vẫn đang nắng nóng gay gắt. Nước nổi về muộn và dâng rất chậm khiến người dân ĐBSCL hết sức lo lắng về cơ hội làm ăn, bùng phát chuột bọ, sâu bệnh, đẩy nhanh tốc độ xâm thực, xâm mặn, hạn hán kéo dài khốc liệt trong những tháng mùa khô.

Hiện thực ĐBSCL đã được Chính phủ nhận diện. Chiến lược phát triển ĐBSCL thích ứng với BĐKH, thân thiện môi trường đang được Chính phủ triển khai ráo riết, với sự hỗ trợ, tư vấn chuyên môn của các chuyên gia quốc tế. Mục tiêu đặt ra là chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, đưa ĐBSCL phát triển ổn định, bền vững. Phương pháp canh tác truyền thống được chuyển đổi linh hoạt theo phương châm ứng dụng công nghệ cao.

Ảnh minh họa / VnExpress.

Dưới góc độ khoa học và công tác quản lý nhà nước, hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường tự nhiên của vùng ĐBSCL đã được hoạch định tương đối bài bản cho hiện tại và tầm nhìn 30 năm sau. Tuy nhiên, để đưa các chương trình, giải pháp của Chính phủ vào thực tiễn đời sống là cả quãng đường không hề ngắn. Thói quen sinh hoạt, phong tục tập quán của con người ở một vùng đất hình thành, phát triển hơn 300 năm không dễ thay đổi trong một sớm một chiều. Chính vì vậy, không ít hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ gia đình ở các địa phương đã phải vướng vào nợ nần, thua lỗ, giải thể… do làm ăn theo mô hình mới không hiệu quả. Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ chưa phù hợp, sự bất cập trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… là những nguyên nhân chính dẫn đến những trục trặc trong vận hành phương pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Tuy nhiên, chúng ta rất vui mừng khi chứng kiến hàng loạt mô hình chuyển đổi, dù mới triển khai một thời gian ngắn nhưng đã thu được kết quả vượt bậc. Theo đó, cũng trên một diện tích canh tác, sau khi chuyển đổi mô hình sản xuất từ trồng lúa truyền thống sang nuôi tôm, trồng hoa màu bằng công nghệ cao, đã thu lợi nhuận cao gấp 2-3 lần. Các địa phương, như: An Giang, Đồng Tháp, Long An… là những dẫn chứng điển hình.

ĐBSCL là vùng trũng về địa lý, nhưng không thể là “vùng trũng” của nhân lực và khoa học công nghệ. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ là một trong những giải pháp được Chính phủ ưu tiên. Việc sáp nhập Trường Đại học An Giang vào hệ thống Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là một trong những giải pháp giúp khu vực này có đủ khả năng, điều kiện thu hút, đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương.

Bản chất nghĩa hiệp, hào phóng, trung hậu, đảm đang… của người dân ĐBSCL là bệ đỡ cho hành trình đổi mới, sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học công nghệ để phát triển vùng ổn định, bền vững. Vạn sự khởi đầu nan. Sự va vấp, khó khăn, thậm chí là những thất bại trong giai đoạn đầu là khó tránh. Quan trọng là bà con cần vững tin, bền chí, sát cánh cùng Đảng và Nhà nước thực hiện có hiệu quả mục tiêu, chiến lược phát triển, không nghe theo những luận điệu xuyên tạc, kích động, phá hoại của các thế lực thù địch. Thay vì “sống chung với lũ”, chúng ta phải có giải pháp linh hoạt để “sống chung” với hạn, xâm thực mặn và cả những cơn cuồng nộ của thiên tai…

PHAN TÙNG SƠN