Thực tế cho thấy, với việc phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương trong quản lý xây dựng cơ bản, các đô thị lớn, khu dân cư, tuyến phố đã được quy hoạch khang trang, bài bản, làm cho diện mạo nhiều tỉnh, thành phố ngày càng thay đổi, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề bất cập là, một số địa phương thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ bản đã không gắn liền với quản lý chất lượng cũng như chấp hành các nguyên tắc, quy định trong xây dựng. Chính vì vậy mới dẫn đến hậu quả là những công trình xây dựng trái phép nganh nhiên mọc lên; xuất hiện những công trình, ngôi nhà cơi nới, siêu mỏng, méo mó, vượt chiều cao quy định… ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đồng thời tác động tiêu cực đến sinh hoạt và tâm lý cộng đồng. Cá biệt, có những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động xây dựng ở những thành phố lớn, dù đã được các cấp chỉ đạo xử lý, song sự chuyển biến còn chậm, gây ra dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân.
Lập lại trật tự vỉa hè ở Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Thời gian vừa qua, một trong những vấn đề được nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn quan tâm, là chuyện chính quyền các cấp ra quân, giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Kết quả là hàng loạt công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm không gian chung đã bị dỡ bỏ, trong đó có cả những bậc tam cấp của nhiều hộ gia đình.
Câu chuyện về những bậc tam cấp tự nguyện hoặc bị cưỡng chế dỡ bỏ xem ra là chuyện không hề nhỏ. Bởi lẽ, những bậc tam cấp ấy ra đời từ tư duy cơi nới, coi thường kỷ cương, văn minh trật tự đô thị của một bộ phận người dân trong xã hội. Mặt khác nó cũng phản ánh hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý xây dựng cơ bản. Khi bậc tam cấp bị dỡ bỏ, nhiều người dân cho rằng, đây là việc làm rất đáng cổ vũ và ghi nhận. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, lẽ ra chính quyền và lực lượng chức năng địa phương, đặc biệt là đội ngũ làm công tác quản lý xây dựng nếu làm hết trách nhiệm, xử lý nghiêm khắc ngay từ đầu thì sẽ không có chuyện phải huy động lực lượng, phương tiện và tiêu tốn thời gian, kinh phí cho việc “dọn” bậc tam cấp như hiện nay; mặt khác người dân cũng không phải xoay sở đủ đường để “leo” từ vỉa hè vào nhà như hiện nay.
Từ chuyện bậc tam cấp lấn chiếm vỉa hè, lại nghĩ đến chuyện những căn biệt thự xây dựng không phép của một số cán bộ. Nhiều người cho rằng, một quán bán nước mọc lên ở vỉa hè; một đống vật liệu xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông…, lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở đều biết. Vậy tại sao một căn biệt thự rất lớn mọc lên trái phép, chính quyền lại không biết? Dù nguyên nhân thế nào đi nữa, thì sự ra đời bất hợp pháp của những căn biệt thự ấy cũng là khuyết điểm của chính quyền và lực lượng quản lý xây dựng ở địa phương.
Vì vậy, để hạn chế tiến tới chấm dứt những vi phạm trong xây dựng cơ bản, thiết nghĩ cần phải có những biện pháp thực hiện mang tính căn cơ, tổng thể, quyết liệt và triệt để. Trước hết, các cấp chính quyền, đoàn thể và cơ quan chức năng cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để mỗi người dân xóa bỏ tư duy cơi nới và tự giác, nghiêm túc chấp hành các quy định trong xây dựng cơ bản. Phát huy vai trò gương mẫu chấp hành của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, trách nhiệm nghề nghiệp, đạo đức công vụ, kiên quyết làm trong sạch đội ngũ những người làm công tác quản lý xây dựng. Đồng thời quy trách nhiệm cụ thể cho cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng khi có sai phạm trong quản lý xây dựng ở địa phương mình. Mặt khác, phải xử lý nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm, trục lợi trong công tác quản lý xây dựng…
Thực tế cho thấy, đa số các sai phạm trong quản lý xây dựng được phát hiện bởi nhân dân và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí. Do vậy, cần có những biện pháp hữu hiệu để khen thưởng, động viên, bảo vệ người dân và cơ quan báo chí trong việc tố cáo các hành vi sai phạm trong quản lý xây dựng.
SÔNG CẦU