Theo số liệu thống kê, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2006-2011), nước ta đã liên tục tăng mức bội chi và phát hành trái phiếu Chính phủ để phân bổ cho các ngành và địa phương đầu tư vào các lĩnh vực mà Quốc hội cho phép. Đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011-2016), tỷ lệ bội chi so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có giảm nhưng giá trị tuyệt đối thì vẫn tiếp tục tăng.
Nguyên nhân của tình trạng bội chi ngân sách gia tăng đã được các đại biểu Quốc hội và nhiều chuyên gia kinh tế điểm mặt. Đó là tình trạng chi tiêu thường xuyên quá lớn; thu của ngân sách Trung ương gặp khó khăn do giá dầu giảm và phải “chi viện” cho rất nhiều địa phương không tự cân đối được ngân sách. Đã vậy, ngân sách Trung ương còn phải chi cho đầu tư công, chi cho việc trả nợ trong nước và nước ngoài... Tâm lý trông chờ, ỷ lại, dựa vào sự bao cấp của Nhà nước đã khiến cho nhiều dự án được phê duyệt ở khắp các lĩnh vực, ngành nghề, địa phương không phát huy hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát như dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, các dự án của Vinashin... trước đây.
Để giải quyết căn cơ việc cân đối ngân sách trong điều kiện các khoản thu từ thuế xuất nhập khẩu, giá dầu thô đang có xu hướng giảm; nhiều khoản vay từ nước ngoài sắp đến kỳ trả nợ quả là bài toán rất khó, nhưng vẫn có thể tìm ra lời giải nếu chúng ta siết chặt hơn nữa kỷ cương ngân sách; thực hiện nghiêm minh Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi thông điệp: “Từng đồng tiền thuế của dân đều phải được sử dụng hiệu quả, minh bạch”. Việc tập trung ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển là rất cần thiết lúc này, nhưng phải xem xét thật thấu đáo đến hiệu quả và khả năng sinh lời, khả năng trả nợ của dự án. Đã đến lúc cần phải siết chặt đầu tư công, siết chặt việc chi tiêu từ tiền ngân sách, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Tư tưởng không được coi ngân sách Nhà nước là “tiền chùa” cần phải được thấm nhuần trong mọi cán bộ, đảng viên và người dân. Chỉ như vậy các khoản chi ngân sách mới bảo đảm đúng mục đích, minh bạch và tiết kiệm.
Các cơ quan chức năng của Nhà nước cũng cần tiếp tục thay đổi tư duy về vai trò của mình trong kinh tế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi và môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp phát triển để tăng thêm nguồn thu cho ngân sách và gương mẫu thực hiện đúng luật về chi ngân sách. Mặt khác, cần xây dựng cơ chế bảo đảm phân bố vốn đầu tư, phân bổ ngân sách minh bạch; giám sát chặt chẽ dòng vốn đầu tư; phân rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc vay nợ, kiểm soát và trả nợ. Chiến lược trả nợ hằng năm của quốc gia cũng cần được công khai để nhắc nhở cán bộ công chức và người dân thực hành tiết kiệm để lấy tiền trả nợ. Nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi phân quyền; xóa bỏ cơ chế chi vượt nguồn, cơ chế phân cấp theo kiểu khoán trắng bằng cơ chế phân quyền và ủy quyền giữa Trung ương, địa phương. Đối với những cá nhân, tập thể liên quan tới việc chi vượt dự toán ngân sách, kể cả cá nhân, cơ quan lập dự toán không sát thực tế, cần có biện pháp xử lý nghiêm minh. Chỉ như vậy kỷ cương ngân sách mới được siết chặt, góp phần hạn chế việc bội chi ngân sách và nâng cao hiệu quả của việc sử dụng ngân sách Nhà nước.
HOÀNG GIA MINH